Thống kê
  Đang online: 6
  Lượt truy cập: 1634792
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH










Tin Việt Nam

Viện KH &CN Nhiệt lạnh đã đăng bài viết của TS. Nguyễn Xuân Tiên. Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết trên.

"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", "yêu nghề nghề không phụ". Đó là những triết lý giản đơn mà thấm thía vô cùng. Đối với ngành nhiệt - lạnh, điều này lại càng đúng, bởi nó gắn bó với biết bao con người đã đặt nền móng và phát triển ngành đến ngày hôm nay. Một trong số đó là TS. Nguyễn Xuân Tiên, người thầy kỳ cựu của ngành. Hiện thầy Tiên là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội KHKT Lạnh và ĐHKK Việt Nam, hội nghề nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực Kỹ thuật lạnh và ĐHKK. Bài viết dưới đây là những tâm sự rất đỗi chân thành của thầy trong nhiều năm làm nghệ "điện lạnh". Kính chúc thầy dồi dào sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho ngành, và xin chia sẻ cùng với các bạn bài viết này...(PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nhiệt Lạnh - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Tôi là Nguyễn Xuân Tiên, hiện là PCT kiêm Tổng thư ký Hội KHKT Lạnh và ĐHKK Việt Nam.

Tôi  là người từng đi học sửa chữa tủ lạnh từ những năm 1971, 1972.

Tôi cũng là người tham gia đào tạo kỹ sư Điện Lạnh từ khóa đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà nội (từ khóa 18).

Và trên tất cả, tôi đã từng yêu quý ngành điện lạnh và đến bây giờ, tuy đã thất thập cổ lai hy, tôi vẫn giữ được tình yêu với ngành nghề mình lựa chọn.

Trong bài viết này, tôi chỉ muốn có vài tâm sự về nghề điện lạnh. Những dòng tâm sự này chủ yếu cho các bạn chưa vào nghề, chưa thực sự hiểu biết về nghề ĐIỆN LẠNH.

Trước hết các bạn phải hình dung: ngành điện lạnh có cần không và nhu cầu ở nước ta đến mức nào. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm. Trước hết ngành điện lạnh để làm mát, tạo điều kiện dễ chịu cho con người. Các bạn thấy đấy. Điều hòa không khí bây giờ được lắp đặt ở khắp nơi, từ cơ quan, bệnh viện đến  tất cả nhà dân từ thành phố về nông thôn. Những ngày nóng gay gắt mà không có điều hòa chắc chúng ta khó ngủ và khó làm việc. Còn tủ lạnh.  Chắc bây giờ gần như gia đình nào cũng có tủ lạnh.  Đây là thiết bị không thể thiếu để giữ thức ăn cho mỗi gia đình. Như vậy nước ta có gần một trăm triệu dân, có khoảng  trên 20 triệu gia đình. Số tủ lạnh và điều hòa phục vụ cho nhu cầu dân sinh là quá lớn.

Đấy là về lĩnh vực dân dụng. Còn trong các lĩnh vực khác. Có thể khẳng định một điều: ngành lạnh đã là nhu cầu của rất, rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Chắc các bạn nghe tin: Việt Nam xuất khẩu mỗi năm khoảng 10 tỷ đô la hàng thủy sản. Một điều chắc chắn rằng không có lạnh không thể xuất khẩu như vậy được. Rồi các ngành khác. Thí dụ không có lạnh không thể sản xuất bia. Không có lạnh, các ngành điện tử, thiết bị chính xác khó phát triển. Rồi trong y học. Lạnh đang rất cần cho bảo quản vác xin và tham gia vào rất nhiều quá trình khác. Có thể kết luận rằng ngành LẠNH đã là nhu cầu của hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt trong thời đại 4.0

Nhu cầu về lạnh rất lớn. Đáp ứng nhu cầu đó, ngành lạnh của nước ta cũng phát triển vượt bậc. Các bạn có thể hình dung: trước năm 1980, tủ lạnh được trưng bày ở phòng khách để thể hiện đẳng cấp của gia đình. Còn bây giờ, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2 triệu máy điều hòa và gần 1 triệu tủ lạnh. Một số lượng vào loại lớn nhất Đông Nam Á.

Còn nhu cầu về nhân lực. Trước kia chỉ có Đại học Bách khoa và Đại học Xây dựng đào tạo kỹ sư điện lạnh với mỗi năm chỉ 30-40 sinh viên. Bây giờ ở Hà Nội đã có khoảng 20 trường vừa Đại học, vừa Cao đẳng đào tạo kỹ sư, cử nhân điện lạnh với tổng số sinh viên hàng năm lên đến gần 1000 em. Số lượng đào tạo nhiều nhưng đặc biệt gần như không có sinh viên ra trường thất nghiệp. Đây là ưu việt rất lớn của ngành điện lạnh so với các ngành khác.

Còn thu nhập. Tôi có thể tự hào nói rằng, số sinh viên cũ của tôi thành đạt rất nhiều bằng nghề nghiệp của mình. Có em bây giờ là chủ soái của ngành bia ở  Việt nam,  có em là chủ của một loạt siêu thị điện máy. Số em là chủ các doanh nghiệp điện lạnh nhiều vô kể. Là Thầy giáo của ngành, tôi hết sức tự hào về sinh viên của mình, tự hào về ngành điện lạnh thân yêu.

Câu chuyện ngành nghề điện lạnh còn nhiều. Bài viết này chỉ là vài cảm xúc của tôi.

Có thể kết luận một ý ngắn gọn: Ngành điện lạnh ở Việt Nam thật hấp dẫn. Tôi rất yêu nghề điện lạnh và nghề điện lạnh cũng đã rất yêu tôi, cho tôi được nhiều thứ trong cuộc đời mình.

                                                         TS. Nguyễn Xuân Tiên (Hội KHKT Lạnh & ĐHKK Việt Nam)

TS. Nguyễn Xuân Tiên sinh năm 1947 – người thầy đã gắn bó trọn cả cuộc đời với 58 năm hình thành và phát triển của ngành Nhiệt – Lạnh, Trường ĐHBKHN, ông là cựu sinh viên BKHN khóa 9. Chuyên môn của thầy về điều hòa không khí, lạnh đông thực phẩm, kho lạnh. Thầy đã đảm nhận vị trí trưởng bộ môn Kỹ thuật Lạnh và ĐHKK từ năm 2000 đến năm 2008.

Khi về hưu, thầy vẫn tham gia nhiều hoạt động chuyên môn và thường xuyên được Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh mời đến để trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn cho cán bộ giảng viên và chia sẻ về ngành nghề với các sinh viên của Viện. Hiện nay, TS. Nguyễn Xuân Tiên là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE).

“Điện lạnh” vẫn được xã hội quen gọi về hướng đào tạo Công nghệ Lạnh và Điều hòa không khí. Bắt đầu từ Khóa 62, Viện có 3 chuyên ngành đào tạo sâu là: Công nghệ Lạnh và Điều hòa không khí, Công nghệ Năng lượng và Nhiệt điện, Hệ thống và thiết bị nhiệt (tên gọi cũ là Nhiệt công nghiệp).

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345