Thống kê
  Đang online: 5
  Lượt truy cập: 1636548
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH










Tin Việt Nam

 

Với cả gia đình Kimenovi, tôi không phải đồng bào, không phải đồng hương nhưng đã từng coi nhau như ruột thịt. 

Ông là người Bulgari. Lòng kính trọng của tôi giành cho người thầy hướng dẫn khoa học ấy của mình suốt nhiều năm tháng qua không bao giờ phai nhòa, và đó là sự kính trọng, lòng biết ơn của học trò đối với một người thầy thực thụ đáng kính, một nhà giáo giàu hiểu biết và có uy tín trong giới khoa học quốc tế về năng lượng.

Với cả gia đình Kimenovi, tôi không phải đồng bào, không phải đồng hương nhưng đã từng coi nhau như ruột thịt. Cái tình đó tôi giữ đến tận hôm nay dù ông đã quá cố, còn chúng tôi, vẫn đang sống ở những phương trời khác nhau và không có điều kiện gặp nhau nữa.

 Ảnh chụp với thầy và Bộ môn sau buổi bảo vệ, 1981. Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc.

Tôi sang Bulgaria làm nghiên cứu sinh năm 1977. Sau hơn nửa năm học tiếng tại Sofia, tôi khăn gói đến Plovdiv tìm trường  Đại học Công nghệ thực phẩm (thường gọi tắt âm tiếng Bun mấy chữ cái đầu là Vi Kha Ve Pe) vào đầu tháng 6 năm 1978 để bắt đầu công việc nghiên cứu sinh của mình.

Việc đầu tiên ở đây, tôi gặp đại diện Khoa quản lý sinh viên nước ngoài, rồi ổn định chỗ nghỉ tại ký túc xá. Những việc đó làm xong chỉ trong nửa ngày. Sang ngày hôm sau tôi tìm nhận thầy. Bà Onkova, một phụ nữ đứng tuổi phúc hậu, lâu năm làm quản lý sinh viên ngoại quốc dẫn tôi đến gặp thầy.

Gặp phó giáo sư  G. A. Kimenov,  bà Onkova cho tôi biết ông là trưởng bộ môn nhiệt kỹ thuật và là người sẽ hướng dẫn tôi. Ông rất cởi mở khi lần đầu gặp tôi. Thì ra tôi mới biết rằng vị phó giáo sư này đã sẵn sàng nhận tôi từ lúc biết tin tôi đến, chỉ đơn giản là vì ông yêu Việt Nam, một đất nước ông chưa hề đặt chân tới nhưng khâm phục đất nước này vì đã chiến thắng những đế quốc lớn để giành và gìn giữ độc lập, thông cảm đất nước này vì chiến tranh, vì gian khổ, đồng cảm đất nước này vì cùng “phả hệ” Xã hội chủ nghĩa  lúc đó.

Cũng phải nói thêm rằng, là người thực tế và nguyên tắc nhưng ông thật dễ gần. Các bạn tôi trong bộ môn sau này nói là ông có cái thực tế và lạnh lùng của người Đức, nhưng ông cũng có một niềm tin và nhiệt huyết rõ ràng với lý tưởng và với những gì ông đã yêu quý.

Thực sự Việt Nam là đồng minh của Bun trong phe Xã hội chủ nghĩa lúc đó. Cái tình thầy trò, nỗi đồng cảm với người Việt đang vươn ra trong khó khăn lại cộng thêm với tình đồng chí làm ông có thiện cảm ban đầu với tôi, người ông mới biết qua CV (lý lịch trích ngang).

Nhưng cũng chính từ đây ông yêu quý và toàn tâm giúp đỡ tôi khi ngày một thấy rằng “cậu bạn Việt Nam” này cũng thông minh, cần cù, chăm chỉ, có kiến thức ban đầu đủ để ông hướng dẫn, đủ để đàm đạo về chuyên môn với ông, đủ để sáng tạo ra cái gì đó từ những cái đã biết, điều tối cần cho một người làm nghiên cứu nhận học vị.


Đàm đạo thầy trò GS Kimenov ngồi đầu bên phải.  Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc.

Chọn và nhận đề tài xong, cả hè năm đó tôi tìm sách đọc chuẩn bị cho thi minimum PTS, đồng thời vào làm quen các phòng thí nghiệm của bộ môn Nhiệt kỹ thuật. Phải nói rằng, tôi yêu môn nhiệt động lắm, và thích nhất là Định luật 2 Nhiệt động, với Entropy, Excergy rồi đến những lý giải tính toán về tính khả thi, về tính không thuận nghịch của mọi quá trình tự nhiên, về trạng thái cân bằng, “hòa hoãn” của các hệ qua tính toán chiều và mức độ biến thiên của các đại lượng này.

Tôi nhiều khi sau này cũng lạm dụng tư duy đó vào mọi loại thực tiễn vì chỉ muốn toán học minh chứng hết thẩy không phải dài dòng cãi vã, thậm chí cãi vã có lúc đến mức lật lọng trong một số trường hợp. Nhưng thực tế đâu phải như lý thuyết.

Dù có chút cực đoan, việc tôi mê Định luật 2 NĐH cũng giúp ích nhiều cho tư duy sau này trong công việc mình làm, và điều đó cũng làm tôi thích ông, một người luôn cố gắng góp phần mặc áo mới cho môn khoa học này, chuyển nó từ cái hay lý thuyết đến hiệu quả trong thực tiễn. Hợp lý và tiết kiệm từ lâu đã là đức hạnh khi con người sử dụng năng lượng. Chính cái đức đó nằm sâu trong con người ông, nó được dẫn dắt trong tư duy của ông và cũng là động lực để ông sáng tạo và dẫn dắt mọi người sáng tạo.

Tôi còn nhớ khi đến nhà ông ở số 11 phố Aton, thành phố giữa Miền Trung Plovdiv cuối những năm 1970, ông giới thiệu với tôi hệ thống sưởi trong nhà với nguyên tắc cấu tạo và làm việc là: dùng than hay điện phải hợp lý, cách dùng phải tiết kiệm. Cái hệ thống ống ngoằn ngoèo đó do ông tự thiết kế, tự thi công chạy suốt tầng một đến tầng 3, từ phòng ăn, phòng làm việc đến các phòng ngủ. Chứng kiến công trình gia dụng như vậy mà cảm thấy thán phục ông.

Cuốn sách mà tôi chọn để mang về.  Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc.

Học đi đôi với làm, hai chữ kỹ sư luôn đi kèm với học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ, trang trọng ngang nhau trong danh thiếp của ông. Không thể sống khác mà khuyên người ta sáng tạo một khác. Gặp người thầy như vậy, vừa uyên bác, vừa tinh thông kỹ thuật, nhất quán từ tư duy, lời nói đến hành động làm tôi tin tưởng ngay từ ngày đầu và càng tin ông khi càng tiếp xúc, nhất là những khi tôi gặp khó, và lại càng tin ông khi tôi làm việc với ông nhiều hơn cho đến cả lần sau này, khi tôi đi tu nghiệp sau  Phó tiến sĩ cuối năm 1988, khi bắt đầu có cả những biến cố ở Liên Xô và Đông Âu về thời cuộc.

Viết về ông, một con người đã quá cố 20 năm trước, lại gắn bó với tôi từ ngót ngét 40 năm, một người không những là thầy hướng dẫn, mà còn là người anh tận tình với tôi trong khoa học và cả trong cuộc sống những năm xa nhà, một người bạn của đất nước Việt Nam với hình tượng Bác Hồ mà ông và đông đảo người Bun nể trọng, tôi nghĩ không cần phải nêu nhiều chi tiết, vả lại, những chi tiết đó qua chừng ấy năm rồi đã phôi phai trong sự vận động của cuộc sống sau này mà tôi đã từng không ít trải nghiệm khác nhau, những chi tiết đó đã hòa chung lại để tô đậm thêm những nét một con người trí tuệ, về nhân cách và rộng ra - cái chất cao quý của con người ông.

Dẫu vậy, nhớ lại từ thời kỳ làm Nghiên cứu sinh (1978-1981), tôi không thể quên được chữ viết không đẹp nhưng đều và không bao giờ thiếu nét của ông. Tôi không thể quên được những cuốn sách được giữ cẩn thận trong thư viện riêng mà ông đưa tôi đọc, những cuộc thảo luận với ông về các thiết bị thí nghiệm sẵn có ở bộ môn, hoặc  tìm các prototive trong tài liệu để chế tạo. Tôi đến giờ không thể quên được những lần dùng dây constantan hay cantan cuốn miệt mài và tỉ mẩn đến hàng trăm mét quanh các thành ống thủy tinh làm dụng cụ đo, rồi lại mất hàng ngày mạ lớp kim loại khác lên trên một nửa lớp dây cuộn đó để tạo cặp nhiệt điện đủ độ nhạy đo được các biến thiên nhiệt độ rất nhỏ.

Tôi cũng không quên được nhiều ngày đêm theo dõi các thông số của các màng sôi trong hệ thống ống gia nhiệt cao đến mười mét xuyên suốt hai tầng nhà thí nghiệm để lấy số liệu cho các bài báo.

Dưới sự hướng dẫn của ông, không ít thí nghiệm tôi đã làm, và cái thời buổi mà công cụ tính toán còn khó khăn, ông giúp tôi kiên nhẫn lập các hàm số thực nghiệm nhanh và chuẩn với rất nhiều tính toán, các đường cong thực nghiệm, rút ra các nhận xét xác đáng từ thực nghiệm mình làm. Để rồi đi đến các kết quả tích cực của đề tài ông hướng dẫn “Nghiên cứu các đặc trưng nhiệt lý của nước chiết cà phê”.

Làm việc với ông, tôi được sinh hoạt và học tập trong một môi trường đầm ấm, ân cần của tập thể các giáo sư, giảng viên và kỹ thuật viên bộ môn Nhiệt kỹ thuật mà ông là trưởng bộ môn, của nhiều giảng viên trong và ngoài trường.


Một lứa mới sinh viên Việt Nam  học ở trường.  Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc

Giáo sư Angel G. Fikiin trường VMEI Sofia và PGS Kaltcho M. Kolarov khoa Quá trình và Thiết bị trường tôi là hai trong số đó. Họ cũng là phản biện khi tôi bảo vệ luận văn.

Lần thứ hai, cuối năm 1988 tôi sang Bulgaria tu nghiệp sau Phó Tiến sĩ, về đúng trường của mình và ông lúc đó lại nhận hướng dẫn tôi. Gặp thầy tôi mừng lắm, và mừng nữa là ông sau 8 năm đã có thêm một khối lượng công trình khá đồ sộ, đã là giáo sư, hướng dẫn thêm nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án.

Điều tôi rất mừng là ông đã gợi mở cho tôi một số hướng làm tiếp ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên ông để tôi chủ động hơn. Theo tính chất của thực tập sinh cao cấp, tôi nhập vai với những vấn đề có tính chất lý thuyết hơn. Sách, tư liệu khoa học và các bài báo là vũ khí của tôi, thay vì các khí cụ làm thí nghiệm như lần trước. Việc cần làm là: Đi thẳng vào hướng phân tích nhiệt động - Năng lượng, entropy và exergy; Nghiên cứu nhiệt động học trong các quá trình công nghệ sinh học; phân tích nhiệt động các quá trình và thiết bị nhiệt cơ bản trong công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học; cuối cùng là đi đến phân tích và tích hợp các hệ thống nhiệt công nghiệp trong sản xuất thực phẩm và công nghệ sinh học. Một năm tu nghiệp làm nhiều vậy thật chóng mặt.

Hướng nghiên cứu thì rộng vậy nhưng phần lớn thời gian tôi giành cho hai nội dung có nhiều hứng thú hơn: Phân tích các quá trình nhiệt và nhiệt động đi kèm các hiện tượng sinh hóa để áp dụng cho công nghiệp công nghệ sinh học, và Tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong các quá trình sản xuất công nghiệp.

Vấn đề thứ nhất suýt đưa tôi đi lạc đề, vì từ nhỏ tôi mê cái thứ gọi là Phỏng sinh học (Bionique), suy diễn ra từ chỗ: quá trình xẩy ra trong tự nhiên đã được chọn lọc và luôn là tối ưu mà tôi tìm đọc đủ loại, cả về Lý sinh. Không ngờ càng làm càng khó, đọc nhiều mà như đi vào bụi rậm.

May mà thầy “gỡ rối” cho tôi và cho rằng đã vừa đủ có ích để quay về với thực tế- với nội dung thứ hai về Tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong công nghiệp thực phẩm. Ông cung cấp cho tôi một số bài báo cập nhật đến lúc đó, ông gửi mượn cho tôi sách từ thư viện quốc gia Liên Xô ở Moskva. Các giải pháp kỹ thuật, các mô hình toán thời gian đó lúc nào cũng như nhảy múa trước mắt tôi.

Cuối cùng tôi chọn một phương pháp, được gọi là Pinch để khởi đầu công việc. Bài báo The Pinch Design Method for Heat Exchanger Network của B. Linnhoff và E. Hinmarsh được tôi cày kỹ cùng với một số tài liệu tham khảo khác liên quan, cuối cùng tôi áp dụng thử để đánh giá sự hợp lý về năng lượng cho sơ đồ năng lượng của một nhà máy đường điển hình ở nước Bun, tìm ra khả năng cải tiến để tiết kiệm, nhưng cũng đồng thời đề xuất cho việc thiết kế năng lượng cho nhà máy đường mới theo hướng tối ưu dựa vào Pinch.

Ông thích thực sự việc tôi đã làm và trong báo cáo tổng kết đợt thực tập của tôi ông đánh giá: “Kết luận lại, tôi cho rằng, đợt tu nghiệp đã thành công và kiến nghị công việc theo hướng này cần tiếp tục tại Việt Nam nhằm xây dựng và áp dụng các hệ thống nhiệt tiết kiệm năng lượng cho các nhà máy, các kết quả khoa học nhận được sẽ được phổ biến rộng ra và được sử dụng viết luận văn Tiến sĩ Khoa học.”

Thật tiếc tôi không làm được như ông đề nghị vì những công việc quản lý và hành chính của tôi cũng đúng lúc này lại rẽ sang một con đường khác, một tiền đồ khác chi phối trí tuệ của tôi, làm tôi xa dần nghiệp khoa học.

Hơn nữa đầu những năm 90 cũng đánh dấu sự đổi thay thế giới với sự tan rã của phe Xã hội chủ nghĩa, chia xa hai nước Việt - Bun, Việt Nam đi sâu vào đổi mới và bước vào một cuộc hội nhập rộng rãi. Không hiểu sao, không phải tiên tri nhưng có lần ngồi vui ông nói với tôi rằng tôi về sẽ làm bộ trưởng ở Việt Nam.

Lúc đó tôi nghĩ là chuyện vui, làm sao tôi tin nổi, ấy thế mà sau thành sự thật.  Khi tôi nhậm chức thứ trưởng, ông biết và viết thư chúc mừng tôi. Tôi lên bộ trưởng được ba tháng ông về cõi vĩnh hằng như ở ta thường nói…

Lá thư ông viết lần cuối  kèm một cuốn Nhiệt động mà ông vừa chủ biên tôi nhận được vài tháng truớc ngày ông ra đi.

 

Bùi ngùi đọc lại trang thư tưởng nhớ thầy trong sổ tang.  Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc.

Bulgaria là nước nhỏ, ít dân nhưng tiềm năng con người lớn lắm. Giáo sư Kimenov là một tấm gương mà tôi biết. Bulgaria có những nhân vật hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Từ chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thể thao đến những siêu nhân như Baba Vanga tiên tri mọi điều của thế giới.

Người Bun có lúc phong lưu, có lúc nghèo, có lúc độc lập, có lúc chao đảo hay trong quá khứ từng bị đô hộ, nhưng cái vốn con người tiềm năng trong dân số dưới 10 triệu người (nay ông đại sứ E. Stoitsev cho tôi biết chỉ còn khoảng 7 triệu) luôn cho người Bun quyền tự hào đích thực.

Cái lắc đầu biểu thị đồng ý chỉ có với người Bun trong khi hơn hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có ai lại có biểu cảm kiểu như vậy. Đó là Bulgaria, đất nước của thầy giáo tôi.

Những dòng viết thêm

Rồi mọi chuyện cũng phần nào có hậu.

Đầu tháng 9 năm 2006, một năm trước khi về nghỉ công tác tôi được sang thăm Bulgaria theo lời mời của Bộ trưởng Nông nghiệp bạn, của Hiệu trưởng Đại học Thực phẩm Plovdiv.

Trong dịp rất may mắn này tôi đã về lại trường cũ. Ở đây tôi được GS G. Valtchev thay mặt nhà trường trao bằng và huy chương Tiến sĩ danh dự (Doctor Honoris Causa). Đây là một phần long trọng của lễ khai giảng năm học 2006-2007 trường Đại học thực phẩm Plovdiv.

Tại buổi lễ tôi đã được mời trao học bạ khóa mới cho một số sinh viên vào năm thứ nhất, chụp ảnh với sinh viên Việt Nam đang học tại trường.


Chụp cùng GS G. Valtchev, Hiệu trưởng Trường ĐH Thực phẩm Plovdiv 2006 sau khi được trao bằng và huy chương Tiến sĩ danh dự của Trường năm đó.  Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc.

Rất vui với tôi là lại được về bộ môn Nhiệt kỹ thuật xưa, gặp đồng nghiệp cũ. Cùng với giáo sư Kimenov, các giáo sư khác trong bộ môn hồi tôi làm nghiên cứu cũng đã về cõi vĩnh hằng: giáo sư Elenkov về nhiên liệu, giáo sư Videv về trao đổi nhiệt (những người đã từng giúp tôi, dự bảo vệ của tôi và luôn quý mến tôi).

Bù cho sự mất mát đó, Bộ môn chúng tôi có thêm nhiều giáo sư và phó giáo sư mới, những người “cùng thời” với tôi và sau tôi ít năm. Trong số này có giáo sư G. Valtchev, người làm hiệu trưởng nhà trường thập niên đầu của thế kỷ XXI này.

Nghẹn ngào nhớ tới người thầy khi gặp phu nhân giáo sư Kimenov.  Ảnh: Tư liệu của Tạ Quang Ngọc.

Xúc động nhất là cuộc gặp gỡ của tôi với phu nhân thầy Kimenov. Bà mang hoa đến trường tặng tôi. Nước mắt trào ra vì nhớ thầy, nhưng có chút vui trong đó vì gặp lại. Tôi đến thăm nhà thầy. Bà Kimenova và con gái cho tôi xem cuốn lưu niệm các cảm xúc khi thầy tôi mất (như Sổ tang ở ta). Bà chỉ cho tôi lá thư ngắn chia buồn mà tôi gửi để tưởng nhơ thầy, tri ân thầy. Lá thư được ép plastic và là một trang trân trọng ghép gáy trong cuốn sổ thiêng liêng ấy. Biết rằng sách của thầy cũng là cầu nối thầy trò giữa tôi và ông, bà bảo tôi tìm những cuốn nào tôi cần và thích để bà tặng.

Do sau chuyến thăm Bulgaria lại lên đường đi tiếp thăm Nam Phi và Namibia, tôi chỉ xin bà một cuốn. Đưa tay lên giá sách, tôi chợt thấy, bên dưới là tượng nhỏ con sư tử bằng đá cẩm thạch đang ngồi chầu. Đó là lưu niệm tôi tặng thầy hơn phần tư thế kỷ trước, điều đó như mách bảo tôi cuốn sách tôi cần đang ở đâu. Và tôi chọn một cuốn khá kinh điển trên đầu con sư tử ấy "Sự phát triển và ứng dụng khái niệm Entropy" của một tác giả người Pháp Chambadal được dịch sang tiếng Nga, xuất bản tại Moskva năm 1967. Sư tử là biểu tượng, là hình dáng nước Bun. Cái ý mà thầy tôi đã từng rất hay nhắc tới với tôi.

                                                                                              TẠ QUANG NGỌC

 

 

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345