Thống kê
  Đang online: 3
  Lượt truy cập: 1344460
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH






Tin tức và sự kiện
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ luôn là một trong các nội dung quan trọng của hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, một lĩnh vực rất quan trọng nhưng ít được biết đến là hợp tác và hỗ trợ của quốc tế trong xây dựng chính sách và chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung và về khoa học và công nghệ nói riêng. Trong nhiều năm, những hoạt động hỗ trợ và hợp tác này đã đóng góp đáng kể cho xây dựng các văn bản pháp quy, chính sách cần thiết cho khoa học và công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Bài viết nhằm làm rõ những hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng chính sách khoa học và công nghệ ở Việt Nam, phân tích tác động của những đóng góp này.

1. Quan hệ hợp tác quốc tế trong hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược nói chung1

Quan hệ hợp tác quốc tế trong xây dựng chính sách ở Việt Nam tập trung trước hết vào hoạt động của các tổ chức nghiên cứu chiến lược và chính sách (chủ yếu của Nhà nước) và các hoạt động này khá đa dạng về đối tượng và phương thức, từ các viện nghiên cứu nước ngoài, các tổ chức quốc tế đa phương và song phương, tổ chức phi chính phủ đóng tại Việt Nam và nước ngoài, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu chiến lược chính sách cho đến các mạng lưới nghiên cứu và đào tạo về chính sách. Các tổ chức quốc tế này bao gồm cả các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, UNDP, ADB, FAO, UNIDO, WHO... và song phương như SIDA - Thụy Điển, CIDA - Canada, DANIDA - Đan Mạch, ACIAR - Úc, IDRC - Canada, SDC - Thụy Sỹ v.v...

Hiện nay, các nhà tài trợ quốc tế đang hình thành một số xu hướng chung cho các chương trình tài trợ (ít nhất là đối với các nhà tài trợ chính) như (1) chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho các dự án phát triển sang tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu và xây dựng chính sách; (2) chuyển từ trực tiếp tiến hành nghiên cứu chiến lược chính sách sang hỗ trợ cho các cơ quan Việt Nam tăng cường năng lực về nghiên cứu và xây dựng chính sách; và (3) chuyển từ hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật sang thúc đẩy cải cách hành chính và thể chế. Những hướng này trong tương lai sẽ tạo cơ hội mới cho các cơ quan nghiên cứu và đào tạo chính sách ở Việt Nam. Một quan hệ hợp tác quốc tế cũng được các Viện khai thác tốt là việc tham gia các mạng lưới quốc tế. Ví dụ như Viện Quản lý Kinh tế trung ương hiện nay đang là thành viên chính thức của 4 mạng lưới: (1) Mạng Phát triển toàn cầu GDN do Ngân hàng Thế giới tài trợ bao gồm các tổ chức chuyên nghiên cứu, tư vấn chính sách công, chi nhánh của mạng này là Mạng phát triển Đông Á; (2) Mạng DAN do một tổ chức của Canada tài trợ gồm có 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, và Campuchia; (3) Mạng nghiên cứu kinh tế Vùng Mêkông do Thụy Điển tài trợ; và (4) Hiệp hội nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á. Một ví dụ khác, Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội là thành viên của mạng lưới các Viện nghiên cứu về lao động của ASEAN do Nhật tài trợ, tiến hành nhiều nghiên cứu chung gắn với chính sách. Ngoài ra, Viện này còn tham gia vào mạng PADI - Phân tích nghèo đói do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đến nay đã đi vào hoạt động được 5 năm và có những thành công ban đầu. Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách Khoa học và Công nghệ là thành viên của mạng Chính sách Khoa học Công nghệ Đông Nam Á (Stepan) do tổ chức UNESCO tài trợ.

Mỗi một mạng lưới như trên đều có nhiều loại hình hoạt động nhưng phổ biến nhất là tham gia hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin, tiến hành một số nghiên cứu chung có tính chất khu vực, ngoài ra có thể có một số hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, do vẫn còn có phức tạp trong thủ tục cử cán bộ đi hội thảo, tổ chức nghiên cứu, tuyển chọn và sử dụng chuyên gia quốc tế nên một số hoạt động hợp tác quốc tế chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Các hoạt động hợp tác quốc tế của mỗi Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách rất đa dạng. Mỗi viện trung bình có một số chương trình hợp tác chính đang tiến hành cũng như các hoạt động hợp tác nhỏ lẻ khác. Trong mỗi Viện, hoạt động hợp tác quốc tế của các bộ phận cũng mạnh yếu khác nhau tùy thuộc nhiều vào năng lực cán bộ của bộ phận đó, chẳng hạn như những bộ phận nào có nhiều cán bộ được đào tạo ở nước ngoài thì hoạt động hợp tác quốc tế có xu hướng phát triển hơn. Có thể thấy rằng, trong một thời gian dài, một số hoạt động hợp tác quốc tế còn mang tính  ngắn hạn, hiệu quả chưa cao và ít nhiều chưa chủ động, trong nhiều trường hợp do phía nước ngoài đến chủ động đặt vấn đề hợp tác.

Gần đây, nhu cầu về nghiên cứu chính sách ngày càng lớn đòi hỏi một sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các cá nhân và tổ chức nghiên cứu chính sách, xuất hiện ngày càng nhiều các sáng kiến và nỗ lực để liên kết các tổ chức và cá nhân làm công tác nghiên cứu chính sách. Một số chương trình quốc tế đã hỗ trợ thành công cho những cố gắng này và đem lại kết quả ban đầu:

Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF)

Diễn đàn này được thành lập năm 2004 là một nghiên cứu chung giữa Học viện đào tạo quốc gia về nghiên cứu chính sách Nhật Bản (GRIPS) và Trường Đại học Kinh tế quốc dân của Việt Nam. Chương trình này nhằm vào các hoạt động đối thoại giữa các nhà thiết lập chính sách và nhà nghiên cứu thông qua các hội thảo, hội nghị, sách, ấn phẩm, trang web,... Hoạt động này tỏ ra hữu ích cho các cán bộ giảng dạy của các trường và thông qua một số nghiên cứu nhỏ. Trong chừng mực nhất định đã gắn kết với một số cơ quan của Bộ ngành như Bộ LĐTBXH, Bộ CN. Trong khi phản ứng tương đối nhanh với các vấn đề chính sách mới, các hoạt động này chưa đủ sâu về chuyên môn và tác động của nó đến hệ thống xây dựng chính sách của Nhà nước còn hạn chế.

Mạng nghiên cứu kinh tế Việt Nam - VERN

Đây là dự án phối hợp giữa hai đơn vị Viện kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và tổ chức IDRC - Canada được xây dựng cách đây gần 3 năm. Với tiêu chí hướng về những vấn đề toàn cầu hóa, nghèo đói, tăng trưởng, mạng lưới này huy động sự tham gia phối hợp của các chuyên gia trong nước và quốc tế vào một số chương trình nghiên cứu. Mục tiêu của chương trình là nghiên cứu những vấn đề phù hợp về chính sách nhưng mục đích của chương trình rộng hơn, bao gồm các sáng tạo khoa học, liên kết các nhà nghiên cứu và tăng cường năng lực cho các nhà nghiên cứu. Thế mạnh của chương trình này là các nghiên cứu do các nhóm nghiên cứu độc lập đề xuất với sự giúp đỡ chu đáo của các chuyên gia quốc tế từ tổ chức, thiết kế nghiên cứu, xây dựng và phương pháp nghiên cứu, đến hỗ trợ lý luận.

Dự án Mispa

Đây là chương trình hỗ trợ của sứ quán Pháp cho Trung tâm thông tin của Bộ NN&PTNT trước đây và nay là Viện Chiến lược chính sách Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chương trình này nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phổ biến các thông tin để hỗ trợ quá trình ra chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Thông qua một Quỹ nghiên cứu, các câu hỏi về chính sách được các nhà lập chính sách của Bộ NN&PTNT nêu lên, tổ chức đấu thầu cạnh tranh để các nhóm nghiên cứu trong cả nước tham gia trả lời. Nhìn chung, chương trình này có các thế mạnh nghiên cứu của VERN và thế mạnh thông tin của VDF, tuy nhiên khả năng về tăng cường năng lực thì không mạnh bằng của VERN và liên kết với các trường đại học thì không mạnh bằng VDF.

Ngoài những hoạt động trên, còn nhiều các hoạt động tương tự ở các hình thái khác nhau. Đa số các hoạt động loại này dựa trên các dự án quốc tế, gắn với một quỹ về nghiên cứu chính sách.

2. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu xây dựng chính sách và chiến lược khoa học và công nghệ

Tương tự như các lĩnh vực xây dựng chính sách và chiến lược khác, chính sách và chiến lược khoa học và công nghệ cũng nhận được những hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Trong khuôn khổ bài viết này, xin nêu ra một số ví dụ điển hình.

2.1. Pháp lệnh CGCN và chính sách KH và CN: SAREC (Thụy Điển)

Ngay từ những năm 1980, Thụy Điển đã bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc ban hành các văn bản chính sách và chiến lược liên quan đến khoa học và công nghệ. Viện Chính sách nghiên cứu (RPI) thuộc Đại học Lund, Thụy Điển với sự tài trợ của Tổ chức hợp tác nghiên cứu với các nước đang phát triển SAREC của Thụy Điển, đã phối hợp với Viện Quản lý Khoa học thực hiện các dự án nghiên cứu. Dự án quan trọng đầu tiên là nghiên cứu về vấn đề chuyển giao công nghệ và kết quả của dự án này đã có những đóng góp vào việc hình thành Pháp lệnh chuyển giao công nghệ vào Việt Nam được Nhà nước thông qua năm 1988 cũng như những đóng góp khác về mặt công nghệ trong nội dung của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987.

Tiếp theo đó, hợp tác giữa hai viện đã được tiếp tục dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả việc đào tạo Thạc sĩ về chính sách khoa học và công nghệ tại Thụy Điển. Các nghiên cứu hợp tác này bao gồm các chủ đề về đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, quản lý các tổ chức nghiên cứu và triển khai, nâng cao năng lực công nghệ quốc gia và doanh nghiệp, hệ thống đổi mới và cách tiếp cận đổi mới trong xây dựng chính sách, v.v... Kết quả của những hoạt động này đã được lồng ghép vào việc xây dựng các văn bản chính sách và pháp luật của Viện Quản lý khoa học trước kia và Viện Chiến lược và chính sách KHCN hiện nay như Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, Phát triển Thị trường công nghệ, v.v...

Một kết quả đặc biệt là chương trình hợp tác này đã dẫn tới hình thành chương trình đào tạo Thạc sỹ về Chính sách khoa học và công nghệ tại Viện Chiến lược chính sách khoa học công nghệ, cho đến nay chương trình này đã đào tạo được hơn 100 Thạc sỹ là cán bộ quản lý KH và CN nòng cốt tại các ngành và địa phương.

2.2. Chiến lược KH và CON NGƯỜI 2010 và sự hỗ trợ của IDRC (Canada)

Năm 1996, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi còn là Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và ông Bezanson, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) đã thỏa thuận IDRC sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tổ chức nghiên cứu tổng quan về hệ thống khoa học và công nghệ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã giao cho Viện Chiến lược và Chính sách KHCN làm đầu mối thực hiện nghiên cứu này cùng với phía IDRC. Phía IDRC đã tổ chức một đoàn công tác gồm các chuyên gia giỏi của nhiều nước và đã đưa khái niệm hệ thống đổi mới quốc gia, trên cơ sở của cách tiếp cận của OECD, đến với các nhà chính trị và hoạch định chính sách của Việt Nam. Đoàn đã làm việc cùng với các chuyên gia phía Việt Nam, trao đổi với hơn 70 tổ chức khoa học, Viện, Vụ và công ty, hiệp hội và trao đổi, phỏng vấn khoảng 320 nhà hoạch định chính sách, những người thực thi chính sách và những đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách Việt Nam. Năm 1998, báo cáo của đoàn công tác với tên gọi Vietnam at the Crossroad đã được IDRC xuất bản.

Mặc dù báo cáo này không được xuất bản bằng tiếng Việt, trong giai đoạn 1998 - 2002, báo cáo này đã được trao đổi, thảo luận, bàn cãi trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của Việt Nam. Rất nhiều kết quả nghiên cứu của dự án hợp tác này, đặc biệt là 17 kiến nghị cụ thể đã được các giới có liên quan nghiên cứu kỹ, trao đổi và sau này đã đưa vào thực hiện thông qua nhiều văn bản, chính sách của các Bộ như Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư... Kết quả quan trọng nhất của đề án này là những ý tưởng, cách tiếp cận và kiến nghị cụ thể đã đóng góp vào cho một số công việc của Bộ Khoa học và Công nghệ như Đề án Chiến lược Khoa học và Công nghệ tới năm 2010, Đề án Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ... Trải qua một giai đoạn “tiếp thu”, đến nay, nhiều kiến nghị cụ thể đã trở thành hiện thực (xem Phụ lục kèm theo). Tất nhiên không thể nói rằng tất cả những thay đổi về khoa học và công nghệ hiện nay ở Việt Nam đều do những kiến nghị của đoàn công tác mang lại, nhưng có thể nói rằng, nhiều ý tưởng đã bắt đầu từ những trao đổi và làm việc với các chuyên gia của đoàn.

2.3. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội UNDP/UNIDO

Năm 2000, Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng chiến lược kinh tế xã hội tới năm 2010 và đã thực hiện một số nghiên cứu với sự hỗ trợ của UNDP, UNIDO và SIDA. Những nghiên cứu này cần được thực hiện như là đóng góp về cơ sở khoa học cho việc chuẩn bị báo cáo cho đại hội Đảng năm 2011. Nghiên cứu này bao gồm năm hợp phần trong đó hợp phần về chiến lược khoa học, công nghệ và công nghiệp do một nhóm chuyên gia hỗn hợp của quốc tế và Việt Nam cùng thực hiện. Hai chuyên gia của nhóm IDRC trước đây đã được mời lại để tổ chức nghiên cứu này. Để đảm bảo tính liên tục và thực tiễn của những nghiên cứu, một cán bộ của Viện Chiến lược và chính sách khoa học công nghệ cũng đã tham gia nhóm công tác (tác giả bài viết này). Một cách tiếp cận kết nối khoa học và công nghệ với sản xuất công nghiệp, lồng ghép hoạt động nghiên cứu gần hơn với thực tế của sản xuất đã được quán triệt trong nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu này cả về phương pháp luận cũng như những kiến nghị thực tiễn như vấn đề hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển công nghệ cho nông nghiệp và vấn đề công nghệ cao đã có đóng góp thiết thực vào việc xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta (Bezanson et al, 2001).

2.4. IDRC hỗ trợ xây dựng chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về KH và CN

Năm 2002, Vụ HTQT của Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu IDRC hỗ trợ trong việc thực hiện một số nghiên cứu phục vụ cho xây dựng Chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, một nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Một tổ công tác hỗn hợp đã được thành lập với thành phần gồm các chuyên gia của Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Canada. Nội dung những nghiên cứu và khảo sát của tổ công tác bao gồm hàng loạt vấn đề quan trọng của hợp tác và hội nhập quốc tế trong KH và CN, ví dụ như chính sách đổi mới, tài chính và phát triển nguồn nhân lực, liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới cơ chế quản lý hợp tác, liên kết hợp tác với đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển... Những kết quả của nghiên cứu này đã được dùng như những cơ sở khoa học nền tảng cho đề án.

2.5. Các hoạt động khác: Chương trình nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan và Chương trình Kinh tế chất thải do CIDA tài trợ

a. Chương trình nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan (VNRP)

Đứng trước yêu cầu ngày càng lớn về các nghiên cứu phục vụ lập chính sách và phát triển, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, với sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan, đã thực hiện Chương trình Nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan trong vòng 10 năm (1994 - 2004). Chương trình này nhằm gắn hoạt động nghiên cứu phục vụ chính sách với hoạt động đào tạo một đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ có năng lực cho tương lai. Kinh phí nghiên cứu được giao hoàn toàn cho phía đối tác Việt Nam quản lý. Một Hội đồng chỉ đạo được thành lập gồm đại diện các nhà khoa học và quản lý đầu đàn của Việt Nam. Hội đồng này chọn ra các định hướng nghiên cứu, quyết định đề án được lựa chọn và đánh giá kết quả đề án. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động này, các chuyên gia tư vấn chuyên ngành được huy động cho từng lĩnh vực cụ thể. Thông tin về đối tượng, mục đích, phương pháp đấu thầu, cách thức tham gia được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trải qua 10 năm hoạt động, chương trình đã thu hút rất nhiều các đề án nghiên cứu trong cả nước của nhiều Viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Các đề tài này phần lớn gắn chặt với yêu cầu thực tế và thực tiễn. Hàng năm, chương trình tổ chức các lớp ngắn hạn về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, nhiều hội thảo giữa kỳ và cuối kỳ và các hoạt động hỗ trợ tại chỗ của các nhóm chuyên gia, góp phần tăng cường năng lực cho các cán bộ nghiên cứu trẻ. Các hội nghị trình bày kết quả nghiên cứu được sự tham gia rộng rãi của nhiều cán bộ làm chính sách và bằng tài liệu được công bố và sử dụng khá rộng rãi. Do phải vượt qua nhiều khó khăn trong việc tạo lập đội ngũ xây dựng chính sách ở Việt Nam nên chương trình này chỉ đến cuối dự án mới đạt được những kết quả nghiên cứu với chất lượng đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chương trình này đã tạo được tiếng vang, thay đổi đáng kể không khí nghiên cứu chính sách và tác động tích cực đến việc đổi mới nghiên cứu khoa học.

b. Chương trình nghiên cứu Kinh tế chất thải

Chương trình kinh tế chất thải phục vụ kinh tế thông qua phát triển năng lực quản lý tổng hợp chất thải ở Việt Nam - Lào - Campuchia (2000 - 2004) do Tổ chức phát triển quốc tế Canada (CIDA) hỗ trợ. Mục tiêu dự án nhằm đào tạo và chuyển giao kiến thức về kinh tế chất thải cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nội dung hoạt động của dự án bao gồm:

Đào tạo, chuyển giao kiến thức về lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu, quy hoạch và quản lý, các công cụ kinh tế, các vấn đề xã hội trong kinh tế chất thải.

Nghiên cứu về chất thải hữu cơ, chất thải công nghiệp, quy hoạch bãi chôn lấp chất thải đô thị; tín dụng nhỏ cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải; truyền bá phổ biến kiến thức cho đối tượng phụ nữ và trẻ em thu gom rác.

Xây dựng chương trình giảng dạy và đào tạo nhân lực cho thực hiện chương trình thông qua hợp tác với một số đối tác tham gia ở Việt Nam.

Đào tạo sau đại học (Ph.D và Master) về kinh tế chất thải ở Canada hoặc các nước ASEAN nhằm đảm bảo nhân lực được đào tạo về kinh tế chất thải làm hạt nhân trong nghiên cứu và đào tạo về kinh tế chất thải ở Việt Nam.

Tạo khả năng và cơ hội nghiên cứu cho sinh viên Canada về các vấn đề quản lý chất thải ở Việt Nam. Cung cấp tư liệu nghiên cứu cho nội dung giảng dạy đại học và cao học ở Đại học Toronto, Canada.

Trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế chất thải giữa các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của các nước đối tác và các nước Đông Nam Á thông qua khảo sát, hội thảo.

Thông qua những hoạt động này, các kết quả của dự án đã cung cấp cả năng lực cũng như những kinh nghiệm thực tế cho việc xây dựng các chính sách và văn bản luật pháp liên quan đến môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một bộ phận có tiền thân từ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Gần đây hơn, UNIDO tiếp tục hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ một dự án sử dụng phương pháp Foresight (Nhìn trước) để xác định ưu tiên, chọn lựa công nghệ phục vụ cho xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới của giai đoạn mới 2011 - 2020. Mặc dù đã được giới thiệu vào Việt Nam khá sớm, đây là lần đầu tiên, một phương pháp nghiên cứu hiện đại được vận dụng vào một nhiệm vụ cụ thể của xây dựng chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, một số hoạt động hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Viện Ngân hàng Thế giới (WBI), Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI), OECD, Chương trình đối tác về đổi mới của Phần Lan đã và đang có những tiếp xúc, chuẩn bị cho những hoạt động hỗ trợ có liên quan đến chính sách và chiến lược khoa học và công nghệ.

III. Kết luận

Kinh nghiệm ở nước ta trong việc sử dụng hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ xây dựng chiến lược và chính sách nói chung và về khoa học và công nghệ nói riêng cho thấy sự hợp tác này là vô cùng quan trọng. Ngoài những hỗ trợ thông thường về đào tạo, kinh phí và cơ sở vật chất nghiên cứu, hợp tác quốc tế đã cung cấp thông tin, kinh nghiệm, cơ sở khoa học cả về thực tiễn cũng như lý luận, các hệ quan điểm cơ bản, khung phân tích và công cụ nghiên cứu. Đối với những hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách và chiến lược, những hỗ trợ này có lẽ còn quan trọng hơn cả cơ sở vật chất.

Tuy vậy, có thể nói rằng hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách và chiến lược không đơn giản. Nó đòi hỏi phía Việt Nam cần phải có những chuẩn bị phù hợp về năng lực, kinh nghiệm và nhất là ngôn ngữ hợp tác nếu muốn quá trình này có hiệu quả. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các cán bộ Việt Nam cần phải có cả bản lĩnh và kinh nghiệm công tác khôn khéo, nếu không muốn những nghiên cứu của mình phụ thuộc hoàn toàn và bị lôi kéo theo ý muốn và khả năng sẵn có của đối tác nước ngoài.

Một yếu tố khác cần lưu ý là hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chiến lược và chính sách đòi hỏi phải có thời gian cho những kết quả kiểm chứng, và chấp nhận. Việc học hỏi các quan điểm, cách tiếp cận mới là cần thiết và hữu ích nhưng chuyển hóa những kết quả và luận thuyết này vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là một việc không đơn giản. Cách tiếp cận về Hệ thống đổi mới nói chung và Hệ thống đổi mới quốc gia nói riêng là một ví dụ. Bắt đầu thâm nhập Việt Nam từ giữa những năm 90, cho đến nay việc vận dụng quan điểm này trong điều kiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thăm dò và tìm hiểu. Kinh nghiệm của hợp tác với IDRC đã cho thấy, nhiều khuyến nghị đã phải chờ một thời kỳ dài để được chấp nhận hoặc hội đủ điều kiện thực thi. Quá trình này có thể gọi là giai đoạn “thích nghi về mặt chính sách” của môi trường.

Điểm cuối cùng, để cho một chính sách mới trên cơ sở của hợp tác quốc tế có chỗ đứng, thông thường cần phải có những cố gắng xây dựng những nhóm cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm chính sách mới này, là những người tiên phong, làm vật mang chính sách trong một bối cảnh của cộng đồng và xã hội nhất định./.

 


TS. Trần Ngọc Ca – - Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 172/2011, 20-24

 

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345