Thống kê
  Đang online: 5
  Lượt truy cập: 1636303
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH










Tin tức và sự kiện
Thực hiện các nhiệm vụ liên kết giữa viện và trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố và thúc đẩy hoạt động liên kết, làm cho hoạt động liên kết viện trường thực sự góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và phục vụ thực tiễn của cả viện và trường.

Bài viết này nghiên cứu các nội dung cơ bản: 1) Tổ chức quản lý hoạt động liên kết viện - trường; 2) Nhiệm vụ liên kết và những nguyên tắc chung tổ chức thực hiện; 3) Các dạng nhiệm vụ liên kết và cơ cấu tổ chức thực hiện. Mục tiêu là làm rõ ba nội dung trên có tính đến những yếu tố tác động đến quan hệ liên kết viện - trường về lâu dài, nhằm không những tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên kết, đảm bảo các nhiệm vụ liên kết được thực thi tốt nhất, mà còn tạo cơ sở cho các hoạt động liên kết viện - trường ngày càng được củng cố và phát triển.

1. Đặt vấn đề

Trong công trình được đăng tại Tạp chí Kinh tế và phát triển [6] để làm rõ vấn đề Tổ chức KH&CN nhìn từ góc độ liên kết NCKH - ĐT - SXKD, tác giả đã trình bày các dạng tổ chức cơ bản và bàn về việc vận dụng các dạng tổ chức này trong hoạt động liên kết viện - trường - doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả liên kết. Trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên kết cụ thể của viện nghiên cứu và trường đại học, việc xác định những bước đi, các nguyên tắc thực thi các nhiệm vụ, phân công trách nhiệm, làm rõ yêu cầu, điều kiện và hình thành tổ chức thực hiện cụ thể là rất cần thiết, có tác dụng không những đưa các hoạt động liên kết vào nề nếp, mà còn có tác dụng củng cố và thúc đẩy liên kết giữa viện và trường. Vì vậy, nghiên cứu tổ chức hoạt động KH&CN trong liên kết viện - trường có thể xem như một khâu quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động liên kết viện trường với tư cách một hướng chiến lược tạo nên những yếu tố mới về nguồn lực để thực hiện phát triển KH&CN, gắn KH&CN với thực tiễn và đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu về tổ chức hoạt động KH&CN trong liên kết viện trường sẽ phải làm rõ việc tổ chức các hoạt động này ở mức khái quát như thế nào, những nguyên tắc căn bản nào cần phải được thực hiện, phải chỉ ra các đặc điểm và hình thức tổ chức thực hiện những dạng nhiệm vụ liên kết chủ yếu giữa viện và trường trong việc phối hợp với các chức năng khác của viện, trường.

2. Tổ chức quản lý hoạt động liên kết viện - trường

a) Cơ cấu và chức năng của tổ chức

+ Xác định cơ cấu của tổ chức quản lý hoạt động liên kết

Một cơ cấu tổ chức chỉ được sinh ra dựa trên chức năng, nhiệm vụ đã được xác định. Khi cơ cấu tổ chức phù hợp và trực tiếp phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thì tổ chức mới phát huy được tác dụng và nhiệm vụ mới được thực hiện một cách tốt nhất. Cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động KH&CN của một đơn vị có thể gồm một số tổ chức cụ thể nhưng phải là một hệ thống thống nhất, một nhất thể, phục vụ cho mục tiêu chung.

Khi liên kết được xem như một chức năng, nhiệm vụ mới, gắn kết thường xuyên viện và trường thì việc hình thành một tổ chức thích hợp, nằm trong cơ cấu tổ chức KH&CN chung của viện/trường, nhằm phối hợp và điều hành hoạt động liên kết là một tất yếu. Vấn đề đặt ra là hình thức tổ chức, tầm cỡ và chức năng của tổ chức này cần được xác định như thế nào để nó có thể phát huy hiệu quả cũng là một vấn đề cần được xem xét và bàn luận. Cũng đã có ý kiến cho rằng trong phạm vi một Bộ, cần thành lập một tổ chức quản lý và điều hành hoạt động liên kết giữa các viện và các trường [1]. Nghiên cứu về tính hiệu quả của tổ chức quản lý hoạt động liên kết viện - trường cho thấy, việc thực hiện chức năng liên kết trong đào tạo, nghiên cứu và thực hiện dịch vụ KH&CN của trường và viện thì Hiệu trưởng (hoặc Giám đốc Học viện) và Viện trưởng là người chịu trách nhiệm lãnh đạo và quản lý trực tiếp hoạt động này. Do đó, cần hình thành một tổ chức trực tiếp giúp việc cho Hiệu trưởng, Viện trưởng quản lý hoạt động liên kết một cách có hiệu quả, không cần thiết phải có một tổ chức liên trường, viện làm trung gian giữa bộ và các viện, trường. Nghiên cứu cũng cho thấy, để quản lý, điều hành hoạt động liên kết, viện/trường chỉ cần thành lập một tổ chức quản lý hoạt động liên kết trong phạm vi tổ chức của mình là đủ. Tổ chức này trong cơ cấu tổ chức của viện/trường có thể là:

- Ban thuộc phòng đào tạo hoặc phòng quản lý KH&CN của trường hoặc thuộc phòng đào tạo SĐH hay phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế của viện và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng các phòng này. Lãnh đạo viện/trường chỉ đạo hoạt động liên kết qua trưởng phòng tương ứng. Trường hợp này có ưu điểm là ít thay đổi về cơ cấu tổ chức, vì tổ chức mới chỉ ở cấp ban, là cấp mà hiệu trưởng và viện trưởng có quyền quyết định thành lập; trưởng phòng đào tạo/ nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế vẫn quán xuyến được các hoạt động đào tạo chung và/hoặc nghiên cứu của trường và viện. Nhược điểm trong trường hợp này là hiệu lực quản lý của ban thấp và để phản ánh tình hình hay nhận chỉ thị từ lao động viện/trường phải qua cấp phòng.

- Ban độc lập trực thuộc trực tiếp Ban giám hiệu trường/Ban giám đốc viện. Trường hợp này cũng có ưu điểm là cơ cấu tổ chức thay đổi trong phạm vi quyết định của trường/viện, đồng thời ban quản lý liên kết độc lập có vai trò tương đương cấp phòng, lãnh đạo trường/viện trực tiếp chỉ đạo ban liên kết và do đó có hiệu quả hơn. Nhược điểm trong trường hợp này là các phòng đào tạo/nghiên cứu có thể có khó khăn hơn trong việc nắm và điều hành chung công tác đào tạo và nghiên cứu trong hệ thống của trường/viện. Do đó phải xây dựng quy chế nội bộ về mối quan hệ giữa Ban liên kết với các phòng ban và các khoa, các đơn vị khác trong trường/viện.

- Phòng độc lập trực thuộc Ban giám hiệu nhà trường/Ban giám đốc viện. Đây là trường hợp mà hoạt động liên kết của trường/viện được đề cao nhất, có điều kiện phát huy năng lực quản lý và điều hành liên kết tốt nhất. Song đó cũng là trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức nhiều nhất, có thể đòi hỏi có sự cho phép của tổ chức cấp trên, đồng thời cũng đòi hỏi phải xây dựng cơ chế hoạt động mới, phản ánh được mối quan hệ công tác giữa phòng liên kết với các phòng ban và các đơn vị khác trong trường/viện.

Thành phần của ban/phòng liên kết có thể gồm ít nhất một cấp trưởng (ban/phòng) và một đến hai nhân viên, trong đó có một thư ký chịu trách nhiệm soạn thảo văn bản, lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động liên kết của trường. Thành viên của ban/phòng có thể làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc không kiêm nhiệm. Việc không kiêm nhiệm có thể làm tăng thêm biên chế, là điều không có lợi cho viện và trường, nhưng công việc được thực hiện tập trung hơn, chất lượng cao hơn so với trường hợp kiêm nhiệm. Song bất luận trường hợp nào, việc hình thành một tổ chức quản lý hoạt động liên kết của viện và trường cần quan tâm đến việc đảm bảo tính hiệu quả trong điều hành của viện, trường, đồng thời không làm thay đổi nhiều về biên chế.

+ Chức năng cơ bản của tổ chức quản lý hoạt động liên kết

Dù là ban hay phòng, trực thuộc phòng hay ban giám hiệu/giám đốc, tổ chức quản lý hoạt động liên kết đều có chức năng cơ bản sau đây:

- Là cơ quan tư vấn, tham mưu cho viện trưởng/hiệu trưởng trong việc đề xuất các nhiệm vụ và thực hiện quản lý các hoạt động liên kết;

- Phối hợp tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ, trao đổi ký kết các văn bản về liên kết với các đối tác trong và ngoài nước;

- Phối hợp với các đơn vị khác trong tổ chức mình để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên kết với tất cả các đối tác, kể cả trong nước và quốc tế;

- Theo dõi, phối hợp, kiểm tra, điều chỉnh các hoạt động thực hiện các nhiệm vụ liên kết;

- Tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện các nhiệm vụ, các mối liên kết mới, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo viện/trường về phương hướng và biện pháp giải quyết nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả liên kết.

b) Nội dung khái quát quản lý hoạt động liên kết viện - trường

Quản lý hoạt động liên kết của viện, trường dưới dạng chung nhất cần thực hiện những nội dung khái quát sau:

- Hàng năm, vào một thời gian thích hợp, hai bên họp bàn và đi đến thống nhất ký kết văn bản “Hợp đồng trách nhiệm trong liên kết”, trong đó ghi rõ những nội dung chủ yếu mà hai bên có nhu cầu liên kết trong năm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thực hiện các dịch vụ KH&CN, trong đó có chuyển giao công nghệ.

- Đối với mỗi nội dung hợp tác, hai bên thống nhất những vấn đề chủ chốt như: Vấn đề liên kết, nội dung chủ yếu, mục tiêu chủ yếu cần đạt, đơn vị chủ trì, những yêu cầu cơ bản đối với mỗi bên về sự đóng góp nguồn lực để thực hiện, thời gian thực hiện.

- Trong Hợp đồng trách nhiệm cũng ghi rõ mỗi nhiệm vụ liên kết sẽ được hai bên triển khai cụ thể dưới dạng các hợp đồng chi tiết để quản lý và thực hiện.

3. Nhiệm vụ liên kết và những nguyên tắc chung tổ chức thực hiện

a) Nhiệm vụ liên kết

Nhiệm vụ liên kết có thể là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; nhiệm vụ đào tạo hay nhiệm vụ dịch vụ KH&CN như chuyển giao công nghệ giữa viện và trường cho đơn vị thứ ba. Các nhiệm vụ này được xây dựng hàng năm theo thỏa thuận ký kết giữa lãnh đạo viện và trường, được ghi trong Hợp đồng trách nhiệm.

b) Những nguyên tắc cơ bản của tổ chức thực hiện

- Trước khi thực thi một nhiệm vụ, hai bên cần xây dựng Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ liên kết do lãnh đạo hai đơn vị ký.

- Nếu nhiệm vụ do bên nào đề xuất và là người thực hiện chính thì bên đó sẽ cử người chủ trì thực hiện nhiệm vụ, bên kia là phối hợp.

- Nếu nhiệm vụ mang tính liên kết bình đẳng, sự đóng góp của hai bên về khoa học và về vật chất, tài chính cho việc thực hiện nhiệm vụ là tương đương nhau thì cần hiệp thương thỏa thuận để một bên là chủ nhiệm đề tài, bên kia có thể là cấp phó.

- Trong hợp đồng cần bao gồm tất cả các khoản, các chi tiết của một hợp đồng theo thông lệ, làm rõ về: Nội dung, số lượng, mục tiêu và các tiêu chí cần đạt được, thời hạn bắt đầu và kết thúc; trách nhiệm và quyền lợi của các bên;

- Trong hợp đồng bắt buộc phải quy định về vấn đề phân chia lợi ích cho các bên một cách công bằng, phù hợp với sự đóng góp của mỗi bên cho việc thực hiện nhiệm vụ. Trong lợi ích có thể có cả lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị, xã hội.

- Trong hợp đồng cũng cần đạt được sự thống nhất giữa hai bên về quyền SHTT đối với sản phẩm có được từ hoạt động NCKH, PTCN do liên kết.

Phân chia lợi ích kinh tế, xã hội và quyền lợi về SHTT là những nội dung vô cùng quan trọng mà việc giải quyết tốt, thỏa đáng vấn đề này sẽ là cơ sở và động lực củng cố bền vững mối liên kết viện - trường và thúc đẩy sự phát triển chung. Ngược lại, nếu những vấn đề về lợi ích không được giải quyết hợp lý, công bằng và rõ ràng ngay từ ban đầu thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tinh thần và kết quả hợp tác.

4. Các dạng nhiệm vụ liên kết và cơ cấu tổ chức thực hiện

a) Nhiệm vụ liên kết là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có thể do viện hoặc trường đề xuất hoặc xuất phát từ đặt hàng của một tổ chức thứ ba (doanh nghiệp hoặc một tổ chức khác) và được lãnh đạo viện, trường thảo luận và đi đến thống nhất đưa vào kế hoạch liên kết hàng năm. Trong hợp tác giữa viện và trường, để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, cần chuyển thành các hợp đồng thực hiện nhiệm vụ theo các nguyên tắc căn bản đã nêu ở trên để thực hiện và quản lý.

Cơ cấu của tổ chức thực hiện nội dung hợp tác nghiên cứu bao gồm các bộ phận và các cá nhân thuộc cả viện và trường, dưới sự quản lý của một chủ nhiệm đề tài hay dự án, có thể thuộc viện hoặc trường, tùy trường hợp. Điều này cho thấy cơ cấu tổ chức thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong liên kết viện - trường cần và có thể tổ chức dưới dạng tổ chức hữu cơ, tổ chức ma trận và tổ chức ảo, khi áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và quản lý.

Tổ chức hữu cơ và tổ chức ma trận trong trường hợp này có thể có những đặc trưng sau đây:

- Tổ chức hữu cơ (tổ chức dự án) bao gồm một chủ nhiệm và có thể một phó chủ nhiệm dự án và các thành viên tham gia nghiên cứu từ hai phía viện và trường. Cán bộ phụ trách tài chính của dự án nhất thiết phải là người thuộc đơn vị của chủ nhiệm đề tài để có mối quan hệ tài chính thuận tiện với bộ phận tài vụ của đơn vị đó. Khi nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thành, các thành viên của tổ chức dự án này lại trở về vị trí cũ của mình.

Trong thời gian hoạt động nghiên cứu, thực hiện dự án, tất cả cán bộ, nhân viên của tổ chức dự án đều đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chủ nhiệm đề tài/dự án. Ban quản lý dự án có trách nhiệm quản lý và phân công nhiệm vụ, theo dõi quá trình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát huy năng lực cán bộ, chấn chỉnh những yếu kém, sai sót nếu có, đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá cán bộ theo định kỳ và gửi về cơ quan chủ quản của cán bộ đó.

- Tổ chức ma trận được thành lập khi trong quá trình tham gia hợp tác nghiên cứu, các cán bộ hoặc một số trong những cán bộ này vẫn cần đồng thời tham gia hoạt động tại đơn vị của mình (nghiên cứu kiêm nhiệm). Trong trường hợp này chủ nhiệm đề tài, dự án (có thể thuộc trường hoặc viện) cần xác định nhiệm vụ, xác định yêu cầu và thời gian thực hiện cho từng cán bộ một cách rõ ràng, nhất là những cán bộ thực hiện nghiên cứu theo chế độ kiêm nhiệm; theo dõi, kiểm tra trực tiếp công việc và yêu cầu báo cáo định kỳ với tư tưởng chủ đạo là đảm bảo nhiệm vụ được thực hiện có chất lượng và đúng hạn, đồng thời cũng phải chú ý tạo điều kiện để cán bộ thực hiện thường xuyên của họ.

b) Nhiệm vụ liên kết là nhiệm vụ đào tạo:

Nhiệm vụ đào tạo trong liên kết viện trường có thể xuất phát từ trường, viện hoặc từ một đối tác thứ ba (Doanh nghiệp, tổ chức khoa học, xã hội khác).

Nhiệm vụ đào tạo từ trường có thể là các yêu cầu:

- Tham gia giảng dạy đại học dưới dạng cán bộ kiêm nhiệm hoặc thỉnh giảng;

- Tham gia các hội đồng khoa học xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển; các hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài; các hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ, cao học hay tốt nghiệp,...

- Đọc các chuyên đề khoa học, là kết quả nghiên cứu của viện cho cán bộ hoặc/và sinh viên của trường nhằm cập nhật kiến thức mới;

- Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ đào tạo, học tập và nghiên cứu.;

- Tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học, hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên;

- Tổ chức thực tập chuyên môn tại viện và các cơ sở thực hành của viện cho sinh viên.

Nhiệm vụ đào tạo xuất phát từ viện có thể là các yêu cầu:

- Giảng dạy cho nghiên cứu sinh, học viên cao học của viện các chuyên đề phù hợp với nội dung khoa học cần đào tạo và phù hợp với thế mạnh của nhà trường;

- Tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học của viện với các chuyên môn phù hợp với chuyên môn thế mạnh của các chuyên gia của trường;

- Đọc chuyên đề mang tính lý thuyết sâu và mới cho cán bộ nghiên cứu của viện nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ viện;

- Tham gia các hội đồng xét duyệt nhiệm vụ KH&CN của viện; các hội đồng đánh giá, nghiệm thu các công trình nghiên cứu; các hội đồng bảo vệ tiến sỹ, thạc sỹ của Viện.

Cơ cấu tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên kết đào tạo có thể linh hoạt: Không cần xây dựng tổ chức mới thực hiện nhiệm vụ hoặc cần xây dựng tổ chức mới.

- Đối với các nhiệm vụ giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng, kiêm nhiệm hay tham gia các loại hội đồng khoa học thì cơ cấu tổ chức là tổ chức vốn có của bên có nhu cầu. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ này, bên có nhu cầu mời cán bộ của đối tác, căn cứ vào nội dung của Hợp đồng trách nhiệm chung đã được lãnh đạo viện và trường thống nhất và những văn bản pháp lý có liên quan của Nhà nước để mời và thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của hai bên.

- Đối với những nhiệm vụ đào tạo không mang tính thường xuyên và ổn định như thực hiện các khóa thực tập,... thì để thực hiện mỗi nhiệm vụ, viện và trường cần bàn thống nhất một cơ cấu tổ chức để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có người của cả viện và trường tham gia. Dạng cơ cấu tổ chức này có thể là dạng Tổ chức hữu cơ hay Tổ chức ma trận, tùy theo tầm cỡ và tính chất của nhiệm vụ. Người chủ trì, số lượng và chủng loại cán bộ của mỗi bên được hai bên bàn bạc thống nhất và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của mỗi người trong tổ chức, của tổ chức này đối với viện và trường. Trong đó cũng cần chú ý thống nhất xác định vai trò, vị trí của mỗi bên đối với việc thực hiện nhiệm vụ liên kết để định rõ quyền lợi vật chất, tinh thần và khoa học, công nghệ của mỗi bên.

c) Nhiệm vụ liên kết là thực hiện dịch vụ

Liên kết viện trường có thể trong thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, đào tạo hoặc chuyển giao công nghệ cho đối tác thứ ba xuất phát từ thế mạnh của trường và viện. Trong trường hợp này, các nhiệm vụ thường phải được thực hiện dưới dạng một hợp đồng nghiên cứu hoặc một hợp đồng kinh tế hoặc kết hợp cả hai. Nếu dịch vụ là sự chuyển giao công nghệ, là kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ liên kết giữa viện và trường thì phải tuân thủ quyền SHTT của hai bên như đã thống nhất từ khi nghiên cứu ra công nghệ đó. Dù là nhiệm vụ loại nào thì quan hệ giữa viện và trường đều phải làm rõ thông qua trao đổi, bàn bạc thống nhất và theo những nguyên tắc căn bản chung về thực hiện nhiệm vụ liên kết đã ghi ở phần trên và nhấn mạnh:

- Người chủ trì thực hiện nhiệm vụ: Bên nào tìm kiếm được hợp đồng thì bên đó làm chủ trì, trừ phi có sự thỏa thuận khác giữa hai bên.

- Những đóng góp của mỗi bên viện và trường về nhân lực, vật lực, tài chính và thông tin.

- Người chủ trì hay tập thể chủ trì phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của mỗi bên, mỗi bộ phận: Nội dung công việc được phân công hay phối hợp, nhiệm vụ từng người/bộ phận và yêu cầu về thời gian thực hiện, đặc tính của sản phẩm trong từng công đoạn cần phải đạt được; kinh phí dự kiến tối đa cho phép cho từng nhiệm vụ riêng lẻ;

- Chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện với chủ nhiệm đề tài, dự án (hợp đồng) và với viện và trường;

- Quy định về lợi ích của các cá nhân, tập thể, viện, trường về kinh tế, SHTT.

Cơ cấu tổ chức thực hiện nhiệm vụ dịch vụ thường có dạng một tổ chức hữu cơ hay ma trận, có người của cả viện và trường cùng tham gia và đặt dưới sự quản lý, điều hành của chủ nhiệm đề tài/dự án. Trong đó, người phụ trách công tác tài chính phải là người của đơn vị người chủ trì.

Kết luận

Bài báo đã nghiên cứu đề xuất các dạng cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động liên kết của viện, trường, phù hợp với điều kiện hoạt động chung của các đơn vị này; phân tích những mặt tốt và mặt chưa tốt của các phương án tổ chức, giúp cho việc lựa chọn cụ thể được dễ dàng.

Bài báo cũng đã đưa ra những dạng nhiệm vụ liên kết điển hình của trường và viện và những nguyên tắc căn bản cần phải tuân thủ khi thực hiện các nhiệm vụ liên kết, đồng thời cũng nghiên cứu xác định những đặc điểm của từng dạng nhiệm vụ liên kết như nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo và nhiệm vụ là thực hiện các dịch vụ KH&CN đối với đối tác thứ ba, trong đó chỉ rõ các cơ cấu tổ chức và những việc cần thực hiện trong từng trường hợp.

Lựa chọn một cơ cấu quản lý phù hợp, tuân thủ các nguyên tắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên kết và chú ý đến những nội dung, đặc điểm của từng loại nhiệm vụ, đặc biệt là lợi ích kinh tế và quyền SHTT của các bên, chắc chắn sẽ giúp cho hoạt động liên kết đạt kết quả tốt đẹp./.

 (Theo Ths. Nguyễn Đăng Hải, GS.TSKH. Phạm Thế Long – - Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 172/2011, 15-19)

 

 

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345