Trước năm 1975, số tủ lạnh ở Hà nội đếm trên đầu ngón tay. Khi đó chỉ những cơ quan nhà nước lớn mới có tủ lạnh của Liên xô cũ sản xuất. Sau năm khi thống nhất đất nước 1975, các tủ lạnh ở Miền Nam mới chuyển ra được nhưng phần lớn là tủ cũ có chất lượng kém. Từ khi nước ta mở cửa số tủ lạnh đã tăng dần và trong những năm qua hàng năm trên thị trường tiêu thụ trên một triệu tủ lạnh. Tủ lạnh trở thành nhu cầu không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Tủ lạnh thiết bị sử dụng điện về nguyên lý tủ lạnh đã tiêu hao điện năng để thực hiện việc lấy nhiệt từ vật có nhiệt độ thấp. Trên thị trường tồn tại nhiều loại tủ lạnh khác nhau, từ dung tích 50 lít đến 2000 lít. Số tủ lạnh xuất hiện trên thị trường cũng xuất phát từ nhiều hãng khác nhau: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam….Về nhiệt độ bảo quản cũng có nhiều dạng khác nhau, có thể -18o, -12 o, hoặc lớn hơn 0 o. Điện năng tiêu thụ cho tủ lạnh phụ thuộc vào dung tích tủ và chế độ nhiệt độ làm việc của tủ. Nhưng một điều rất quan trọng nếu là người sử dụng là phải biết sử dụng tủ lạnh một cách đúng đắn. Vậy cách sử dụng đúng đắn đó là gì ? Các biện pháp nào để tiết kiệm năng lượng khi sử dụng tủ lạnh.
-
Vị trí tủ lạnh: Tủ lạnh bao giờ cũng có một giàn ngưng (giàn nóng) ở phía sau tủ. Vai trò của giàn ngưng là tỏa nhiệt của môi chất (ga lạnh) ra môi trường không khí. Việc trao đổi nhiệt giữa môi chất và không khí càng tốt thì việc làm lạnh càng đỡ tiêu hao điện năng. Do đó, phải đặt tủ lạnh ở chỗ thoáng cách tường tối thiểu 10 cm để không khí phía sau có thể lưu thông được. Mùa hè muốn làm lạnh nhanh có thể đặt quạt thổi mát giàn ngưng phía sau.
-
Liên quan đến giàn ngưng: cần phải bảo đảm giàn ngưng luôn được sạch sẽ không để bụi bẩn bám vào. Sau từng khoảng thời gian nhất định nên vệ sinh giàn ngưng cho sạch sẽ.
-
Mua tủ lạnh phù hợp với nhu cầu của gia đình. Gia đình ít người không cần mua tủ quá lớn vì như vậy càng tốn điện.
-
Khi sử dụng tủ lạnh không mở cửa tủ lạnh quá lâu vì mỗi lần mở cửa đã mất đi một lượng lạnh nhất định ra môi trường.
-
Đặt chế độ của tủ lạnh một cách hợp lý. Tủ chủ yếu để bảo quản thịt, hoa quả rau thì nên đặt nhiệt độ ở chế độ trung bình. Khi đưa thức ăn sản phẩm vào tủ lạnh phải ở trạng thái nguội hoàn toàn. Nếu đưa thức ăn còn nóng thì phải mất một lượng lạnh để làm lạnh và tốn thêm điện năng.
-
Giữa cửa tủ lạnh và tủ bao giờ cũng có một lớp viền đệm mềm bằng cao su, phải chú ý thường xuyên bảo vệ để lớp này không bị cong không bị rách. Nếu bị cong rách phải thay ngay.
-
Tủ lạnh đã có chế độ tự động đóng ngắt nghĩa là khi nhiệt độ đạt tới chỉ số nhất định thì rơ le sẽ tác động cho tủ lạnh ngừng làm việc. Khi nhiệt độ lên cao ở chỉ số nhất định tủ lạnh sẽ làm việc trở lại. Như vậy, quy định đóng ngắt hoàn toàn tự động. Do đó, khi sử dụng tủ lạnh không ngắt nguồn điện vào tủ vì nếu ngắt nguồn điện tủ lạnh sẽ không duy trì được nhiệt độ đồng thời khi hạ nhiệt độ tủ xuống tốn một lượng điện đáng kể.
-
Khi cất sản phẩm vào tủ không nên xếp đầy quá, vì như vậy làm cho việc lưu thông không khí trong tủ lạnh sẽ khó hơn. Đồng thời, nếu tủ lạnh để ít sản phẩm quá cũng dẫn đến không tiết kiệm điện vì sản phẩm trong tủ lạnh có thể coi như một vật giữ nhiệt.
-
Trên giàn lạnh của tủ bao giờ cũng có một lớp tuyết bám. Các tủ lạnh thông thường đều có chế độ xả tuyết tự động. Thông thường lớp tuyết dày đến mức nhất định thì thiết bị tự động sẽ làm rơi các tuyết xuống. Nếu lớp tuyết càng dày thì làm cho truyền nhiệt của giàn bay hơi với không gian trong tủ sẽ kém đi. Có thể có những tủ lâu ngày tự động hỏng lớp tuyết sẽ dày lên. Khi đó phải có biện pháp để phá lớp tuyết.
Trên đây là một số biện pháp để tiết kiệm điện năng khi sử dụng tủ lạnh. Số tủ lạnh trong các gia đình ở nước ta đã lên đến hàng chục triệu chiếc. Mỗi gia đình có ý thức sử dụng tủ lạnh một cách tiết kiệm thì sẽ đóng góp vào thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của chính phủ.