Bảo vệ môi trường sống là một nhiệm vụ cấp bách của mỗi người sống trên hành tinh này. Trên thế giới, bảo vệ môi trường là một đề tài được tất cả các nước quan tâm, đặc biệt các nước phát triển. Ở nước ta Chính phủ đã tham gia tất cả các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chống nóng lên của trái đất và bảo vệ tầng ozon.
Tại sao tiết kiệm năng lượng lại liên quan đến bảo vệ môi trường?
Điện năng là năng lượng không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các ngành công nghiệp. Các nhà máy nhiệt điện (chiếm hơn 70% sản lượng điện ở nước ta) được đốt bằng than đá hoặc là khí thiên nhiên. Khi đốt các loại nhiên liệu hóa thạch này một lượng rất lớn khí CO2 và các khí khác thải ra và do đó lượng điện tiêu hao càng nhiều một lượng khí thải càng lớn và ô nhiễm môi trường càng lớn. Năng lượng là một vấn đề lớn không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới. Năng lượng là vấn đề mà mỗi quốc gia đều đặc biệt quan tâm vì (i) các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá thành càng ngày càng cao (ii) vấn đề an ninh năng lượng là vấn đề an ninh của quốc gia bảo đảm sự phát triển kinh tế của mỗi nước và (iii) năng lượng liên quan đến việc biến đổi khí hậu không những cho từng quốc gia mà trên toàn thế giới.
Ở nước ta hàng năm đã tích cực tham gia chiến dịch “Giờ trái đất”. Với khẩu hiệu “Tiết kiệm năng lượng bảo vệ trái đất” - Chiến dịch đã kêu gọi cộng đồng cùng tích cực hành động để bảo vệ mái nhà chung của con người. Một trong những vấn đề được quan tâm là tầng ozon. Đây là tầng khí O3 cách trái đất mấy chục cây số. Tầng ozon đã ngăn cản các tia bức xạ cực tím phóng xuống trái đất. Các tia cực tím này rất nguy hại cho da, mắt, mũi của con người. Trong những năm qua tầng ozon đã bị thủng khá lớn và điều đó rất nguy hại cho trái đất. Việc cả thế giới chung tay bảo vệ tầng ozon là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời gian hiện nay.
Tiết kiệm năng lượng liên quan đến vấn đề là bảo vệ tầng ozon. Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về bảo vệ tầng ozon. Khí thải CFC là tác nhân hàng đầu gây nên hiện tượng phá hủy tầng ozon. Việt nam tuy không phải là nước sản xuất các loại chất CFC nhưng Việt Nam lại sử dụng khá nhiều CFC trong các công nghệ khác nhau: điều hòa nhiệt độ, thiết bị chữa cháy, trong dược phẩm. Việt Nam đã rất nỗ lực loại bỏ các chất CFC theo các công ước quốc tế. Hiện nay, Freon R12, R113 đã không còn tồn tại trên thị trường. R22 cũng đang được thay thế dần. R410A đang được sử dụng nhiều nhưng cũng đang được tìm cách thay thế. Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đến năm 2030 Việt nam sẽ giảm được 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide.
Tóm lại, tiết kiệm năng lượng không những chi tiêu của mỗi gia đình mà còn là vấn đề bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta. Mỗi người cần phải có ý thức tiết kiệm điện mọi lúc mọi nơi góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
|