Thống kê
  Đang online: 5
  Lượt truy cập: 1635763
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH










Khoa học công nghệ

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong thời gian tới, GDP của nước ta vẫn tăng trưởng ở mức độ cao và do đó nhu cầu sử dụng năng lượng cũng rất lớn. Ngoài việc tìm thêm các nguồn năng lượng mới, việc tìm biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng là một nhu cầu rất cấp thiết. Ngoài ra, tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm ở nước ta còn cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến nên tiết kiệm năng lượng càng cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Như phần trên đã phân tích, trong các biện pháp tiết kiệm năng lượng, dán nhãn năng lượng là một biện pháp rất hiệu quả. Vậy thời gian thời gian tới cần có những biện pháp gì để nâng cao hiệu quả của quá trình dán nhãn năng lượng.

3.1.Tăng cường về truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và trách nhiệm của các doanh nghiệp về dán nhãn năng lượng

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng thông tin về nhãn năng lượng. Cần phải làm cho người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa của nhãn năng lượng, nhận diện được nhãn năng lượng; hiểu được ý nghĩa của các sản phẩm dán nhãn năng lượng được bán trên thị trường. Phổ biến danh mục các sản phẩm đã hoặc cần được dán nhãn năng lượng cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng để họ chủ động lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng chứ không chỉ quan tâm thuần túy về giá cả hay thương hiệu sản phẩm. Việc tuyên truyền đã được thực hiện trong thời gian vừa qua, tuy nhiên công tác này còn rất khiêm tốn, chưa đủ mức độ tiếp cận đến mọi nhóm đối tượng khác nhau, do đó cần được đẩy mạnh hơn nữa để người sử dụng hiểu được giá trị của sản phẩm dán nhãn năng lượng khi họ quyết định mua các sản phẩm này.

- Truyền thông về nhãn năng lượng cần linh hoạt cho các đối tượng người tiêu dùng khác nhau thông qua những hình thức đơn giản nhưng hiệu quả như phát tờ rơi giúp người tiêu dùng hiểu biết về nhãn năng lượng dán trên sản phẩm, cẩm nang, túi hướng dẫn chọn mua sản phẩm tiết kiệm năng lượng... tại các siêu thị và trung tâm thương mại. Tổ chức các gian hàng chuyên đề kiểu gian hàng xanh giới thiệu sản phẩm tiết kiệm năng lượng, kêu gọi sự phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể xã hội khác nhau: hội bảo vệ người tiêu dùng, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh...  Tổ chức và phát động các chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân mua sắm các thiết bị dán nhãn năng lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động truyền thông thông qua Internet, mạng xã hội, smart phone... để đến được với đông đảo người tiêu dùng.

- Huy động và khuyến khích các nguồn lực xã hội thông qua đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn các sản phẩm dán nhãn năng lượng. Vận động các doanh nghiệp có các sản phẩm dán nhãn năng lượng nhấn mạnh thông điệp tiết kiệm năng lượng khi quảng cáo sản phẩm, tài trợ cho các chương trình, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành vi mua sắm dựa trên tiêu chí sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao.

    3.2. Hệ thống văn bản pháp luật cần phải được hoàn chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác. Cụ thể như sau:

  • Thông tư 36/2016/TT-BCT đã ban hành được hơn 3 năm. Thời gia qua thông tư đã tháo gỡ các hạn chế cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên cũng  cần rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của nghị định 36 và trên cơ đó, có thể bổ sung, chỉnh sữa những mặt chưa thật hợp lý để thông tư phát huy hơn nữa hiệu quả trong xã hội.
  • Thông tư 36/2016 rất thông thoáng và được các doanh nghiệp lớn, nghiêm chỉnh rất phấn khởi đón nhận. Tuy nhiên còn có các doanh nhiệp không thực sự tự giác trong quá trình dán nhãn năng lượng. Do đó cần bổ sung cơ chế, chính sách và quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng: Quy định rõ trường hợp nào nhà nước chi trả, trường hợp nào doanh nghiệp chi trả. Xây dựng các tiêu chí cụ thể để giúp các cơ quan giám sát phát hiện, xử lý, nhất là nội dung liên quan đến tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng phù hợp với nhãn năng lượng được doanh nghiệp sử dụng để dán trên các phương tiện, thiết bị
  •  Xem xét ban hành quy định về thu phí đối với hoạt động dán nhãn năng lượng để bổ sung kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát các sản phẩm dán nhãn trên thị trường. Có thể có cơ chế để xã hội hóa các khâu hậu kiểm để bảo đảm quá trình hậu kiểm được tiến hành cho nhiều sản phẩm hơn và được tiến hành thường xuyên hơn.
  • Tăng cường các hình thức xử phạt mang tính chất răn đe, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động dán nhãn. Nghị định 134/2013/NĐ-CP nên được tăng cường các hình thức xử phạt như tăng số tiền phạt hành chính, bổ sung các hình thức xử phạt vi phạm như công bố rộng rãi thông tin các đơn vị vi phạm, hạn chế hoặc cấm sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đã vi phạm.Tăng khung xử phạt phù hợp với hành vi vi phạm, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ở   địa phương trong kiểm tra, xử lý, thực hiện hậu kiểm với các biện pháp hành chính mạnh hơn (tước giấy phép kinh doanh). Bổ sung thêm hình thức tước giấy phép kinh doanh (sau khi thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm) ngay khi phát hiện doanh nghiệp, tổ chức không đáp ứng quy định về hiệu suất năng lượng tối thiểu. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Khoản 7 Điều 30 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định mức xử phạt khác tại các văn bản khác có liên quan. Thực hiện xử phạt khi doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng . Tăng mức xử phạt đối với các vi phạm quy định. Bổ sung việc xem xét tước giấy phép kinh doanh nếu vi phạm nhiều hơn 01 lần. 
  • Xem xét chỉnh sửa Quyết định 68/2011/QĐ-TTg theo hướng mở rộng các sản phẩm nằm trong danh mục mua sắm công cũng như có các chế tài phù hợp để hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước trong việc mua sắm các trang thiết bị sử dụng năng lượng.

   3.3. Đẩy mạnh công tác giám sát thực hiện các chủ trương dán nhãn năng, thực hiện hậu kiểm một cách hiệu quả và thường xuyên.

- Hiện nay đội ngũ kiểm tra, giám sát, hậu kiểm nằm chủ yếu ở Bộ Công thương và các sở Công thương. Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng đôi ngũ quản lý thị trường chưa đủ năng lực và phương tiện để giám sát và kiểm tra về mặt tiết kiệm năng lượng. Đào tạo, nâng cao năng lực và trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật cho đội ngũ trên là hết sức cần thiết. Sau khi Thông tư 36/2016 ra đời, cởi trói cho doanh nghiệp về các vấn đề thủ tục hành chính trong quá trình tiền kiểm,  công tác hậu kiểm phải được tiến hành nhiều hơn, thường xuyên hơn. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, chưa đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt tại cấp cơ sở. Vì vậy cần tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo để bồi dưỡng được một đội ngũ nhân lực chất lượng cả về chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức phục vụ cho công tác hậu kiểm. Đây là một việc không đơn giản. Nhà nước cần đầu tư kinh phí tương đối lớn, đồng thời phải tổ chức được một bộ máy từ trung ương đến địa phương mới có thể làm tốt công tác này.

- Một đội ngũ rất lớn thường xuyên tiếp xúc với người tiêu dùng là những người bán hàng ở các siêu thị, các đại lý và các cửa hàng. Do đó cần tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ nêu trên về ý nghĩa cũng như lợi ích của việc dán Nhãn năng lượng. Khi họ có kiến thức đầy đủ, họ sẽ là các tuyên truyền viên đến khách hàng khi khách hàng đến tìm hiểu và mua sắm hàng hóa. Có lẽ cách làm này sẽ có hiệu quả lan rộng nhanh nhất cũng như trực tiếp nhất.

- Đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở kiểm nghiệm phương tiện và thiết bị dán nhãn năng lượng. Mặc dù Thông tư 36/2016 cho phép thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và ngoài nước, không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập. Tiến hành hậu kiểm chủ yếu là kiểm tra trị số hiệu suất năng lượng có đúng với số sao dán trên máy không.Tuy nhiên khi tiến hành hậu kiểm, nên ưu tiên thử nghiệm ở các đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định. 

- Tăng cường nguồn nhân lực và nguồn kinh phí để triển khai thực thi, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát sự tuân thủ dán nhãn trên thị trường. Việc bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động dán nhãn năng lượng từ ngân sách nhà nước là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của hoạt động này. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực, kinh phí từ các nhà tài trợ nước ngoài cũng rất quan trọng.

       

  • Mở rộng các phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng: Dán nhãn năng lượng là xu thế phát triển chung hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện dán nhãn năng lượng nhằm góp phần tích cực vào mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Việc dán nhãn năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trên cơ sở vì lợi ích của người tiêu dùng. Nhãn năng lượng chính là tiêu chuẩn, dấu hiệu để người tiêu dùng đánh giá sản phẩm chất lượng so với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Do đó, cần thiết mở rộng các phương tiện, thiết bị bắt buộc dán nhãn năng lượng. Trước mắt có thể mở rộng diện các phương tiện, thiết bị như: thiết bị chiếu sáng công cộng; kính xây dựng, vật liệu cách nhiệt, cửa sổ…
  • Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải pháp để giúp các tổ chức kiểm định ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu mục tiêu cải cách của Chính phủ về tiết kiệm năng lượng nói chung, dán nhãn năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng nói riêng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thoả thuận (Nghị quyết 19-2016/NQ-CP).

- Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan để nghiên cứu, rà soát, phát hiện để hoàn thiện hơn những công cụ quản lý vĩ mô và vi mô, nhằm mục tiêu thực hiện thành công quốc sách quan trọng là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua một hoạt động thiết thực là dán nhãn năng lượng. Cần  tiếp tục đánh giá sự tiến triển của hoạt động này, cả mặt được và chưa được, để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sao cho đạt kết quả cao nhất.

  3.4. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ

Việt Nam đã xây dựng và áp dụng loại tiêu chuẩn phổ biến là Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS). Theo đó, các sản phẩm cùng loại không đạt chỉ tiêu MEPS sẽ bị cấm sử dụng. Tuy nhiên cơ quan quản lý cần có kế hoạch xem xét để sửa đổi, cập nhật, nâng cao dần theo trình độ phát triển công nghệ trong nước để từng bước hội nhập với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Một số yêu cầu gồm có:

- Trị số MEPS ở nước ta tương đối thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới. Các cấp hiệu suất năng lượng cũng thấp. Trong điều kiện trước mắt, để khuyến khích sản xuấ trong nước, các quy định trên là hợp lý. Tuy nhiên nước ta còn nghèo mà người dân phải dùng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng là điều hết sức vô lý. Do đó xu hướng hiện nay là phải nâng dần trị số MEPS cho tất cả các loại thiết bị và bình quân 3 năm một lần, trị số MEPS lại được nâng lên một cấp.

- Xây dựng các bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu phải thực hiện đồng bộ và theo kịp tiến độ của chương trình dán nhãn.

- Hiện nay, Viện Tiêu chuẩn và Chất lương là đơn vị biên soạn các tiêu chuẩn Quốc gia về hiệu suất năng lượng. Theo chủ trương chung của Chính phủ, các tiêu chuẩn Việt nam phải phù hợp với các tiêu chuẩn Quốc tế. Đây là một chủ trương đúng đắn trong thời đại hòa nhập hiện nay. Trong những năm qua, các tiêu chuẩn được biên soạn đáp ứng được thực tiễn ở Việt nam. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các TCVN cũng cần phù hợp với điều kiện nền kinh tế của nước ta. Đăc biệt nước ta có nhiều điều kiện khác các nước như, điều kiện khí hậu, điều kiện sản xuất và đặc điểm người tiêu dùng. Do đó, chúng ta nên biên dịch các tiêu chuẩn quốc tế, chắt lọc các vấn đề phù hợp chung của nước ta và các nước trên thế giới. Chúng ta có thể loại bỏ một số điều khoản không cần thiết đối với điều kiện của Việt nam hoặc một số hiệu chỉnh cho phù hợp.

- Tăng cường cơ sở vật chất cho việc thử nghiệm, tăng cường các hoạt động thử nghiệm liên phòng nhằm nâng cao chất lượng kết quả thử nghiệm để hỗ trợ cho hoạt động dán nhãn năng lượng: Hệ thống thử nghiệm hiệu suất thiết bị phải đạt chuẩn và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì vậy, cần huy động sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu và thử nghiệm, các doanh nghiệp liên quan, các tổ chức khác trong nước có trang bị thử nghiệm hợp chuẩn, có năng lực thử nghiệm (toàn bộ hay từng phần), tổ chức thành mạng lưới thử nghiệm đủ đáp ứng yêu cầu các ngành, các địa bàn, phục vụ tốt cho hoạt động dán nhãn năng lượng, đảm bảo lộ trình Nhà nước đã đề ra.

- Hiện nay nhà nước không thể đầu tư quá nhiều phòng thử nghiệm được vì kinh phí cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Cần có một cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các phòng thử nghiệm và Bộ Công thương cấp giấy phép cho họ nếu trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết. Xã hội hóa là một bước đi quan trọng để đáp ứng nhu cầu thử nghiệm hiện nay.

- Chú trọng hợp tác khu vực và quốc tế, liên kết với các nước trong và ngoài khu vực để hợp tác thử nghiệm hiệu suất năng lượng của các thiết bị sản xuất trong nước, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh việc dán nhãn, quá trình áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng với mức hiệu suất năng lượng tối thiểu phải được coi là biện pháp hành chính mạnh và không thể thiếu, nhất thiết phải thực thi như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, nhằm từng bước loại bỏ ra khỏi thị trường các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng khi sử dụng.

        Dán nhãn năng lượng không chỉ áp dụng riêng cho ngành điện mà các ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng cao, có tiềm năng tiết kiệm lớn như xây dựng, giao thông, chế tạo thiết bị... cũng mới ở bước đầu trong việc tham gia chương trình dán nhãn năng lượng và triển khai đồng bộ giữa các ngành.

3.5. Ứng dụng công nghệ thông tin

- Hiện tại Bộ Công Thương đã xây dựng website http://nhannangluong.vn. Tuy nhiên việc đăng ký dán nhãn năng lượng qua website còn hạn chế. Do đó, cần đẩy mạnh nộp hồ sơ đăng ký cấp nhãn năng lượng trực tuyến để giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ được cấp nhãn năng lượng.

- Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính “Đánh giá và cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng”  theo phương thức trực tuyến, trong đó chú ý lưu trữ, khai thác các hồ sơ, giấy tờ mà tổ chức, cá nhân đã thực hiện lần đầu khi thực hiện thủ tục lần sau. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức điện tử phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP, bên cạnh đó cơ chế lưu trữ, khai thác thông tin giúp giảm tải việc chuẩn bị và nộp hồ sơ nhiều lần với cùng 01 thủ tục hành chính.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Tổ chức kiểm định trong việc cấp và gửi Phiếu kết quả kiểm định theo phương thức trực tuyến. Đăng tải tất cả các Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng lên website. Việc cấp và gửi Phiếu chứng nhận kết quả kiểm định trực tuyến sẽ giảm thời gian mà tổ chức, cá nhân phải chờ đợi để nhận, gửi kết quả cho cơ quan hải quan cửa khẩu, đồng thời Bộ Công Thương có thể nắm được thông tin.

Tóm lại, dán nhãn năng lương là một khâu hết sức quan trọng để thực hiện pháp luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cần phảii tập trung theo dõi và có các thay đổi phù hợp để việc dán nhãn năng  lượng ngày càng hiệu quả.

 

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345