Thống kê
  Đang online: 5
  Lượt truy cập: 1345373
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH






Tin tức và sự kiện

Trước tiên, thay mặt Hội KHKT Lạnh và ĐHKK Việt Nam, tại buổi lễ kỷ niệm long trọng này chúng tôi xin nhiệt liệt chúc mừng Viện Khoa học và công nghệ Nhiệt-lạnh Trường Đại học Bách khoa Hà nội nhân dịp Viện tròn 15 tuổi, tri ân và chức mừng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi 55 năm trước đã bắt đầu đào tạo kỹ sư Nhiệt, lạnh, một ngành ngày càng quan trọng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho sự phát triển thành công của không ít ngành kinh tế liên quan trong suốt quá trình xây dựng đất nước, cho cải thiện và thay đổi bộ mặt sinh hoạt xã hội trong những thập kỷ đổi mới vừa qua.

Nhân dịp này, thay mặt Ban chấp hành Hội KHKT Lạnh và ĐHKK Việt Nam chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường đã trực tiếp và góp phần đào tạo nên một đội ngũ đông đảo cán bộ khkt thuộc lĩnh vực này với đầy đủ phẩm chất chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển, đóng góp thực sự cho các lĩnh vực  nhiệt, lạnh trên mọi hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành kinh tế, góp phần đưa kinh tế nước ta hội nhập với kinh tế thế giới.

Xin chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý cùng toàn thể quý vị có mặt trong buổi hành lễ long trọng này.

Chúng ta đã được nghe báo cáo của đồng chí Viện trưởng, những ý kiến đánh giá quý báu của lãnh đạo nhà trường, của các đồng chí lãnh đạo cấp trên. Trường Đại học Bách khoa Hà nội và Viện KH&CN Nhiệt-lạnh nói riêng mà tiền thân là các khoa liên quan rất xứng đáng với những đánh giá  đó. Suốt 55 năm qua, khó khăn mỗi thời một khác, dù trong điều kiện chiến tranh trước đây hay hòa bình xây dựng sau này chúng ta đều đã phấn đấu vượt qua để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu của mình. Bài học kinh nghiệm từ đó vừa là khẳng định vị thế của trường, của viện trong quá khứ cũng như hiện tại, vừa là hành trang qúy báu cho sự phấn đấu tiếp theo trong công tác những chặng đường đi tới.

Được phát biểu hôm nay, cùng với sự trân trọng những kết quả đạt được của Trường, của Viện như nêu trên, tôi xin phép được đề cập đến một vài nội dung liên quan được nhìn nhận từ thực tiễn hoạt động của Hội KHKT Lạnh và ĐHKK Việt Nam, từ sự hợp tác, gắn bó giữa nhà trường với Hội thời gian qua.

Thứ nhất, Sự nghiệp đổi mới ở nước ta đã diễn ra được 30 năm , dù có những lúc khó khăn nhưng nhìn chung lại kinh tế nước ta đã trải qua một giai đoạn dài tăng trưởng. Ai cũng vui mừng trước thành quả tăng trưởng đó. Điều vui mừng nhất, chính là càng về sau này sự chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên và giá nhân công rẻ đang dần sang tăng trưởng những lĩnh vực ngày một có hàm lượng kỹ thuật cao hơn và dựa vào những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Một thời ta nói nhiều đến kinh tế tri thức, bây giờ tuy còn nhiều việc phải làm nhưng tri thức ngày càng có vị trí quan trọng . Tôi cho đó là sự chuyển đổi sâu sắc, mang đến chất lượng tăng trưởng cho kinh tế nước ta, mang đến nhiều thời cơ để ta hội nhập với môi trường thế giới. Hiện tại, nhiều ngành đã coi đây là một cứu cánh để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả hơn, mà không có gì khác, chính là cơ cấu lại hoạt động kinh tế của mình.Không ít ngành trong đó có liên quan đến Nhiệt-lạnh và đội ngũ cán bộ chuyên môn này.

Tuy nhiên, thách thức mới lại xuất hiện, đó là những thách thức liên quan đến An ninh năng lượng, An ninh nước, An toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là những tác động môi trường cần phải tính đến nhất là mỗi khi có những dự án lớn. Sự tiêu thụ năng lượng ngày một tăng đáng kể của rất nhiều ngành công nghiệp và phát triển đô thị, kể cả trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí đang là mối quan ngại không nhỏ, vì thế việc giảm thiểu sự tiêu thụ này cũng là ưu tiên cho những tiến bộ kỹ thuật mang tính thời đại, là các giải pháp quản lý ưu tiên. Chúng ta một mặt phải đương đầu với thực tế tác động của Biến đổi khí hậu, mặt khác phải giảm thiểu sự phát sinh các hiệu ứng làm biến đổi khí hậu. Hai mặt đó cùng  song hành với phát triển kinh tế là thử thách không nhỏ cho một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam ta.

Chính các giải pháp khoa học kỹ thuật mới thực sự là cơ sở cho công tác quản lý để vượt qua những thách thực như trên. Chính những tri thức có trong lao động của những người làm nhiệt lạnh và trong sự thông thái của người tiêu dùng sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ để tiết kiệm năng lượng và giảm tác hại môi trường ở mức vĩ mô và ở quy mô rộng khắp.

Đào tạo lớp người lao động mới và nghiên cứu để có được các tiến bộ kỹ thuật, phổ biến kiến thức, các phản biện khoa học trong giai đoạn này của chúng ta chính là để đáp ứng yêu cầu đó. Điều này đặt ra cho Viện Khoa học công nghệ Nhiệt-Lạnh trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều cơ sở đào tạo khác một triển vọng phát triển mới, một sứ mạng lớn lao và những thách thức mới cho thời kỳ phát triển tiếp theo.

Thứ hai, thống kê dân số cho thấy hiện nay nước ta đang ở thời kỳ mà người ta gọi là có "cơ cấu dân số vàng". Số người ở tuổi lao động là đông đảo. Tuy nhiên có hai điểm cần lưu ý:

Số người ở độ tuổi lao động đông đảo này cần được đào tạo và cung cấp kỹ thuật, cung cấp tay nghề để tiếp tục đưa kỹ năng và hàm lượng kỹ thuật cao vào sản phẩm xã hội, làm cho đội ngũ lao động xã hội thực sự có chuyển biến từ lao động giản đơn sang lao động sáng tạo dựa vào khoa học và công nghệ. Nhiệt- lạnh không phải là vấn đề ngoại lệ, và từ đó vai trò của trường thực sự quan trọng hơn, nhiệm vụ của Trường, của Viện cũng nhiều và lớn hơn.

Cho đến nay, rất nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật từng có có chuyên môn sâu, thậm chí đầu ngành đã qua lứa tuổi "vàng" của mình. Họ đã về nghỉ vì tuổi tác cũng có nghĩa là một thế hệ vàng đã đi qua. Tuy nhiên bản lĩnh nghề nghiệp, kiến thức sâu rộng về chuyên môn vẫn còn có thể đóng góp để ích nước lợi nhà. Đã 55 năm, lớp kỹ sư những khóa đầu nhiều người đã trên 70, những người học mươi, mười lăm khóa đầu cũng đã rời giảng đường, phòng thí nghiệm. Lớp người này cùng với nhiều thầy giáo được đào tạo công phu từ các nước anh em hàng chục năm trước đó, tôi luyện nhiều năm trong môi trường công tác giảng dạy và nghiên cứu hiện là số lượng đáng kể. Hoạt động của họ cần được tổ chức, cần được tôn vinh tiếp tục với những việc cụ thể trong giảng dạy, nghiên cứu, trong tham gia phản biện xã hội những lĩnh vực liên quan, trong tham mưu xây dựng chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống. Các Hội KHKT chúng tôi tự nhận thấy có một vai trò nhất định để cùng Viện, Trường và nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác tổ chức công việc, tạo địa bàn hoạt động  tốt nhất để lực lượng này có thể tham gia đào tạo, tập huấn, truyền nghề, tham gia các đề tài, dự án, tham gia tập trung góp ý kiến về các chủ trương phát triển, và tham gia phản biện về cơ sở khoa học cũng như sự lựa chọn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả cũng như không gây hại môi trường hoặc giảm thiểu các tác động môi trường ở mức cho phép. Quan hệ giữa Hội với các cơ sở đào tạo là mối quan hệ hai chiều để phát huy hiệu quả cao nhất cho sự đóng góp xã hội lớp người quý giá này. Đây là việc làm không dễ, vì thực tế nhiều năm nay chúng ta còn làm được quá ít. Tuy nhiên tôi nghĩ, chúng ta phải vượt qua khó khăn hiện tại để có lộ trình khả thi cho công việc có tính lâu dài này.

Một lần nữa, chúng tôi xin chúc mừng Viện Khoa học và công nghệ Nhiệt lạnh với 15 năm hoạt động của mình, đóng góp đáng kể trong quãng đường đã qua của 55 năm đào tạo cán bộ ngành Nhiệt-lạnh Trường Đại học Bach khoa Hà Nội. Chúc Viện gặt hái nhiều thành công mới trên chặng đường phía trước của mình

Xin chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý và tất cả quý vị có mặt trong buổi lễ trọng thể này.

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345