Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ô-dôn là việc Việt Nam đã nội luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn trên cơ sở các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Song hành với quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các các bộ, ngành, viện, trường, hiệp hội xây dựng năng lực về quản lý cũng như chuyên môn kỹ thuật cho các bên liên quan. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất.
Quy định hệ thống, đầy đủ và thống nhất
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định nội dung về bảo vệ tầng ô-dôn tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó quy định chi tiết về bảo vệ tầng ô-dôn.
Có thể nói, lần đầu tiên, các nội dung về bảo vệ tầng ô-dôn được quy định một cách hệ thống, đầy đủ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung cơ bản bao gồm: Lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát.
Buổi đào tạo, tập huấn kỹ thuật viên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hoà không khí
Cùng với các Nghị định, Thông tư, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 4 danh mục các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, bao gồm: Danh mục cấm; danh mục kiểm soát các chất gây suy giảm tầng ô-dôn HCFC; danh mục kiểm soát các chất gây hiệu ứng nhà kính HFC; danh mục thiết bị có chứa các chất được kiểm soát. Với 4 danh mục này, doanh nghiệp cũng rõ hơn về những đối tượng cần khai báo khi thực hiện các thủ tục, hoạt động sử dụng liên quan. Bên cạnh đó, ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm các điều quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất được kiểm soát tại Điều 45, 46.
Để chuẩn bị thực hiện lộ trình quản lý, giảm dần các chất HFC trong giai đoạn từ năm 2024 – 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2023.
Đồng hành trong chuyển đổi công nghệ điện lạnh
Từ năm 2019 đến nay, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT đã triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II của Việt Nam. Một trong những hoạt động chính là hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp đang thực hiện hoặc đã hoàn thành chuyển đổi công nghệ trong một số lĩnh vực: sản xuất thiết bị lạnh (Công ty Phương Nam, Công ty SAREE), sản xuất xốp (Công ty Yantai Moon, Công ty SAREE, Trần Hữu Đức, Công ty Đa Linh, Tân Á Hưng Yên), sản xuất điều hòa không khí (Công ty Nagakawa và Hòa Phát); thiết lập trạm trộn (Công ty Vật liệu xanh, Tập đoàn Tônmat).
Hoàn thành chuyển giao công nghệ sản xuất không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại
Công ty SAREE chuyên sản xuất xốp
Về phối hợp liên ngành trong tổ chức thực thi quy định pháp luật, trong giai đoạn 2020-2022, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan và các đơn vị chức năng trực thuộc tổ chức nhiều cuộc hội thảo phổ biến quy định quản lý và tập huấn về kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal cho gần 300 cán bộ hải quan tại các vùng, miền trong cả nước.
Về đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết giữa các bên vào tháng 10/2021, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí, Viện khoa học công nghệ Nhiệt – Lạnh triển khai hoạt động đào tạo giảng viên nguồn, tập huấn dành cho cán bộ kỹ thuật đến từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trên cả nước. Đến nay, đã tổ chức đào tạo giảng viên nguồn cho hơn 70 giảng viên đến từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề; tập huấn cho hơn 1.100 kỹ thuật viên từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng trên cả nước; và cung cấp trang thiết bị giảng dạy cho 65 trường cao đẳng nghề, đồ nghề sửa chữa cho 100 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí, và thiết bị dò ga cho 10 doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạnh công nghiệp phục vụ quản lý rò rỉ HCFC-22 trong quá trình sản xuất.
Từ nay đến hết 31/12/2023, Dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đã được thống nhất với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, tiếp tục triển khai hoạt động phối hợp với cơ quan hải quan, cung cấp trang thiết bị và thực hiện đào tạo kỹ thuật viên về sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh.
Gần 300 cán bộ hải quan tại các vùng, miền trong cả nước đã được tập huấn về các quy định mới trong quản lý nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
Trong thời gian tới, Cục Biến đổi khí hậu sẽ ưu tiên hoạt động phổ biến quy định tới các bên liên quan, tổ chức có hoạt động sử dụng chất được kiểm soát. Bên cạnh đó, phối hợp liên ngành ban hành các văn bản, quy định kỹ thuật như: Quy chuẩn kỹ thuật về thu gom, tái chế tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát; Quy chuẩn về an toàn lao động; lồng ghép yêu cầu liên quan trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện kiểm soát xuất nhập khẩu.
(Nguồn: Báo điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường)