Việc dán nhãn năng lượng bắt buộc đã thực hiện từ năm 2013. Trong thời gian bắt đầu, các hãng đưa các thiết bị đến các phòng thử nghiệm được Bộ Công thương chỉ định. Sau khi có kết quả thử nghiệm, các hãng mang kết quả đó báo cáo với Bộ Công thương và Bộ sẽ cấp nhãn năng lượng cho các hãng để dán vào các thiết bị của mình. Nhưng từ khi Chính phủ có chủ trương tạo thông thoáng cho các doanh nghiệp, Bộ Công thương đã có thông tư 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 cho phép các hãng tự thử nghiệm thiết bị, tự dán nhãn và đồng thời tự chịu trách nhiệm về độ chính xác các nhãn năng lượng đã dán.
Từ khi dán nhãn năng lượng đến nay, chất lượng các máy điều hòa không khí và tủ lạnh được nâng cao. Có thể nói, dán nhãn năng lượng đã đóng góp đáng kể vào thành công của chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ. Nhìn chung các hãng chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương dán nhãn năng lượng của Chính phủ và của Bộ Công thương. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng phải có những bước kiểm tra nhất định để đánh giá một cách khách quan chất lượng của quá trình dán nhãn.
Năm 2016, Bộ Công thương có giao cho Hội ta tiến hành kiểm tra lại (hậu kiểm) chất lượng việc dán nhãn. Không thể thực hiện việc kiểm tra lại toàn bộ các modem máy trên thị trường mà chỉ chọn lọc một cách ngẫu nhiên một số modem. Kết quả kiểm tra lại 6 mẫu thì có 04 mẫu có trị số hiệu suất năng lượng phù hợp với số sao năng lượng dán trên máy. Một hãng gần đạt, một hãng có trị số hiệu suất năng lượng thấp hơn số sao tương ứng trên máy. Qua đó, thấy rằng vẫn còn có những hiện tượng chưa nghiêm chỉnh trong quá trình dán nhãn năng lượng.
Năm nay, Bộ Công thương tiếp tục giao cho Hội ta thực hiện hậu kiểm. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành lấy ngẫu nhiên một số máy điều hòa, tủ lạnh trên thị trường để đưa đi kiểm tra lại trị số hiệu suất năng lượng. Kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo trong thời gian tới. Hi vọng không có trường hợp nào vi phạm quy định dán nhãn của Bộ Công thương.