Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (06/8/1976 - 06/8/2021), Tạp chí Thời Đại xin giới thiệu tới độc giả bài viết của ông Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan về triết lý kinh tế vừa đủ của đức vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej.
Bước tiến khổng lồ và bước ngoặt phía trước
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, thế giới đã có hơn một trăm năm tiến dài về phát triển kinh tế và văn minh nhân loại. Trong lịch sử, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp của loài người đều mang lại một phép cộng khổng lồ làm thay đổi diện mạo thế giới. Có những loại tài nguyên hoặc tiềm năng khi được khai thác và sử dụng đã góp phần làm cho thế giới sang trang mới trong lịch sử của mình. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra đã và đang đưa thế giới đến với nhau nhanh chóng và hiệu quả nhất để khai thác mọi thế mạnh và tiềm năng của loài người ở mọi nơi, mọi lĩnh vực trong một quá trình hợp tác rộng khắp và nhạy bén chưa bao giờ có trong lộ trình toàn cầu hóa. Nó đã nhân lên thế mạnh của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, làm tăng tốc sự năng động của thế giới.
Tuy nhiên, mấy thập kỷ qua cũng là thời gian đủ để người ta nhận thấy những tác động tiêu cực, thậm chí có thể nói đến cả biểu hiện của sự tàn phá đi kèm. Lo lắng đó đang đặt loài người ở ngã ba đường, nhất là từ khi bước qua ngưỡng cửa của Thiên niên kỷ thứ ba. Từ đó phải nỗ lực tìm đến sự phát triển bền vững và tránh những nguy cơ có hại tới sinh tồn của nhân loại. Đặc biệt là những nguy cơ về môi trường sống và những đe dọa đối với sức khỏe con người. Tác động của biến đổi khí hậu và những đe dọa về an ninh y tế đang là những vấn đề lớn nhất hiện tại. Trong khi đó hàng tỷ người trên hành tinh vẫn ở tình trạng đói nghèo hoặc nằm trên bờ vực của sự bần cùng, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, chưa kể đến hậu quả và những rủi ro tiềm ẩn từ chạy đua vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân trên thế giới.
Giảm thiểu và đi đến loại bỏ các nguy cơ cũng như những mặt tiêu cực để con người được hưởng cao nhất thành quả phát triển của mình đã được đề xuất thành các sáng kiến lớn nhỏ khác nhau. Mọi nẻo đường như vậy đã dẫn đến cam kết toàn cầu về Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ giữa các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc năm 2000. Đi đến cam kết là sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, những điều thấy được và làm được hiện tại so với những cam kết toàn cầu vẫn còn chưa như mong đợi, chưa đáp ứng đòi hỏi cần thiết để đi đến mọi sự tốt đẹp cho phát triển nhân loại. Trong những cố gắng đã qua thì điều bao trùm vẫn là đi tìm sự hài hòa giữa thành tựu muốn đạt tới với điều kiện tài nguyên (kể cả tái tạo và không tái tạo) ngày càng hạn hẹp và suy kiệt, đồng thời, con người không phải trả giá về hậu quả suy thoái của môi trường sống, và nỗ lực để “không ai bị để lại phía sau”; sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với yêu cầu cải thiện an sinh xã hội và bảo vệ sức khỏe con người.
Tuy nhiên những mong muốn như vậy không thể đạt đến được chỉ nhờ thuần túy đo đếm bằng các thành tựu. Nó đòi hỏi lối sống của con người nói riêng và phương thức phát triển xã hội nói chung luôn cần những tư tưởng và triết lý dẫn đường được triển khai bằng những bước đi hiện thực, làm nền tảng để hoạch định đường lối phát triển. Trong suốt thế kỷ XX vừa qua đã có những triết lý như thế dựa theo văn hóa truyền thống ở mỗi quốc gia hay nhóm quốc gia nhất định. Triết lý Kinh tế vừa đủ (Sufficiency Economy Philosophy-SEP) của đức vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej là một triết lý như thế.
Đức vua Bhumibon Adulyadej là người đặt nền móng và khích lệ cho chiến lược phát triển đất nước Thái Lan. Triết lý của Đức vua về “Kinh tế Vừa đủ” được coi là trung tâm tư duy phát triển của Thái Lan.
Triết lý phát triển Kinh tế vừa đủ
Thái Lan đã trải qua một giai đoạn phát triển rực rỡ những thập niên cuối của Thế kỷ XX. Kinh tế Thái Lan thời gian này tăng trưởng liên tục, có những năm GDP tăng ở mức hai con số. Thu nhập theo đầu người dân Thái tăng từ 8.725 Baht năm 1961 lên 51.065 Baht năm 2002. Thái Lan đã nỗ lực rất lớn để xoá bỏ nền nông nghiệp lạc hậu, vươn tới giấc mơ hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Các dự án hạ tầng công nghiệp rộng lớn được xây dựng. Hệ thống tài chính Thái Lan mở thông với nền tài chính quốc tế. Thái Lan cùng đứng trong hàng ngũ các NICs với khởi đầu từ mô hình định hướng xuất khẩu dựa vào sản phẩm nông nghiệp cùng với các sản phẩm lắp ráp, chế tạo thông qua công nghiệp hóa. Nông dân cũng chuyển hướng từ canh tác nông nghiệp truyền thống, một nghề nông đa canh có phần thô sơ, sang nền nông nghiệp thương mại tập trung vào một số sản phẩm hàng hóa ở quy mô lớn.
“Triết lý của Đức vua Bhumibol Adulyadej về Kinh tế vừa đủ có một vai trò quan trọng tạo khuôn khổ cho đối thoại toàn cầu nhằm đạt tới sự phát triển bền vững. Ngài là người đầu tiên nhận giải thưởng trọn đời vì Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc năm 2006, ghi nhận sự cam kết nổi bật của người nhằm phát triển đất nước và cải thiện cuộc sống người dân Thái Lan. Tôi mong muốn cùng nhân dân và chính phủ Thái Lan ghi lòng tạc dạ di sản của “vị quốc vương phát triển” của thế giới bằng cách cùng nhau lao động để đạt đến mục tiêu chung phát triển bền vững của chúng ta.”
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan
|
Sự phát triển như trên của Thái Lan cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác thời đó có một quan hệ hữu cơ với động thái phát triển mới của các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới. Ở các nước phát triển thời đó chi phí lao động bắt đầu tăng cao đi kèm với các biện pháp bảo vệ môi trường trở nên nghiêm ngặt. Điều đó đã thúc đẩy họ chủ trương đầu tư ra ngoài. Có một khuynh hướng đối với các nước phát triển là bố trí lại sản xuất trong nước lâu nay sang các nước đang phát triển với việc hình thành các khu công nghiệp rộng lớn được xây dựng lên làm hạ tầng thích ứng cho cuộc đầu tư rộng khắp ấy. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn từ 1970 đến 1998 trên toàn cầu tăng gần 15 lần, từ 44 tỷ USD lên 644 tỷ USD, và còn tiếp tục mở rộng khi sang thế kỷ XXI. Sự tăng trưởng đó của FDI cũng góp phần làm tăng nguồn đầu tư nội địa tại chính các nước đang phát triển. Nguồn vốn này tăng lên 11 lần, từ 21 tỷ USD lên 227 tỷ USD với sự đóng góp của các nguồn tư nhân tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn.
Với sự mở mang thành công hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài mà công nghiệp hóa trở thành động lực tăng trưởng ở nhiều nước đang phát triển trong đó có Thái Lan và khá nhiều nước đang phát triển Châu Á. Có thể nói, các nước thế giới thứ ba dang rộng tay đón chào công nghiệp và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và bắt đầu cuộc chạy đua nhằm tối đa hóa lợi nhuận bằng các chính sách và thể chế ưu tiên đầu tư nước ngoài và bằng cách tạo “môi trường” đầu tư thuận lợi. Tuy nhiên, cùng với cái hay, cái được, nhiều khi đó cũng là cuộc chạy đua mà chưa thấy hết được việc phải trả giá sau này. Một mặt quan trọng khác, nguồn thu và lợi nhuận tăng lên đáng kể nhờ định hướng sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, và từ đó, trong sản xuất, ngoài công nghiệp gia công lắp ráp thì phát triển nông nghiệp độc canh quy mô lớn mở ra rộng khắp. Có lẽ đầu tư quá mức, sự sử dụng phung phí các tài nguyên, xả thải các chất độc hại ra môi trường và sự phát triển nông nghiệp độc canh cực đoan đã tạo ra mặt trái về môi trường và xã hội kèm theo những thành công thinh vượng hóa ở những thập kỷ này. Cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính ở một số nước Châu Á nổ ra năm 1997 đã khiến các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học nhìn lại nhiều hơn các mặt trái này. Thái Lan là một ví dụ khá điển hình.
Đối với Thái Lan, sự khủng hoảng do các yếu tố bên ngoài tác động vào cuối những năm 1990 đã ảnh hưởng trầm trọng tới lối sống của người Thái mọi giai tầng do thiếu “sức đề kháng”. Người dân bị ám ảnh bởi sự đầu tư quá mức trong khi họ phải bươn trải rất vất vả. Chính Quốc vương cũng đã từng cảnh báo: “… Điều quan trọng không phải là trở thành con hổ. Quan trọng đối với chúng ta là có một nền kinh tế tự lực. Một nền kinh tế tự lực có nghĩa là có đủ để sống.”
Với những suy nghĩ nung nấu này, Đức vua Bhumibon Adulyadej đã đặt nền móng và khích lệ cho chiến lược phát triển đất nước Thái Lan. Triết lý của Đức vua về “Kinh tế Vừa đủ” được coi là trung tâm tư duy phát triển của Thái Lan, và nó được lấy làm kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững đất nước. (Nguồn: tuyên bố Hội nghị lần thứ 10 của UNCTAD tháng 2 năm 2000).
Kinh tế vừa đủ là một triết lý nhấn mạnh lối hành xử và cách sống thích hợp để tạo ra sự điều hòa, sự suy xét phải chăng trong mọi cách ứng xử, và sự cần thiết phải bảo vệ thỏa đáng đất nước và người dân khỏi những cú sốc từ bên trong và bên ngoài. Nó đòi hỏi phải áp dụng các tri thức đúng đắn, quyền lợi và nghĩa vụ, hỗ trợ lẫn nhau, và sự hợp tác. Mục đích là tạo những móc nối liên kết chặt chẽ người dân từ mọi ngành với nhau và thúc đẩy nguồn lực sáng tạo tích cực nhằm đưa đến sự thống nhất, phát triển cân bằng và bền vững cũng như sự sẵn sàng ứng phó với các thách thức gay gắt diễn ra do toàn cầu hóa.
|
Ngay từ năm 1974 Quốc Vương đã chỉ giáo, “Phát triển kinh tế cần phải theo đuổi tuần tự theo từng bước. Nó cần bắt đầu với việc củng cố nền tảng kinh tế của chúng ta, bằng sự đảm bảo rằng đa số người dân phải có đủ để sống… Một khi đã đạt đến sự tiến bộ hợp lý, chúng ta sẽ đi tiếp các bước sau, thực hiện những mức phát triển kinh tế tiên tiến hơn. Ở đây, nếu ai chỉ lo toan cho kinh tế phát triển nhanh chóng mà không đảm bảo rằng kế hoạch đó là thích hợp cho nhân dân ta và với các điều kiện của đất nước chúng ta thì sẽ không tránh khỏi gây ra các mất cân bằng và sẽ kết thúc thất bại hoặc khủng hoảng như đã thấy ở các nước khác.”
Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997, Đức vua đã khẳng định lại và mở rộng Triết lý về Kinh tế vừa đủ trong các bài nói năm 1997 và những năm tiếp theo. Triết lý này chỉ ra con đường hồi phục sau khủng hoảng sẽ dẫn đến phát triển linh hoạt, cân đối và bền vững, có khả năng tốt hơn để đối mặt những thách thức nảy sinh từ toàn cầu hóa và các biến đổi khác.
Để thực hiện ý tưởng của Đức Vua về phát triển, Ủy ban phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan đã áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ, lấy làm phương châm phát triển và quản trị đất nước bằng cách đưa nó vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội lần thứ IX giai đọa 2002 -2006. Dựa trên quan niệm và nguyên tắc của Kinh tế vừa đủ, một đề án phát triển hài hòa trên các phương diện trọng yếu: con người, xã hội, kinh tế và môi trường đã được xây dựng. Một lối đi trung gian được lấy làm kim chỉ nam để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng cũng như bảo đám sự phát triển an toàn, cân đối và bền vững trong thời gian tiếp theo.
Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhon thăm và nói chuyện với đại biểu tại ngày khai mạc Hội nghị SEP tại Bangkok, Thái Lan
Năm 2007, vào dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của Quốc vương, Thủ tướng Thái Lan lúc đó - Tướng Surayud Chulanont đã bảo đảm đầu tư 10 tỷ Baht (khoảng 300 triệu USD) vào các dự án mang lại phúc lợi theo Triết lý Kinh tế vừa đủ của đức vua Bhumibol Adulyadej. Ủy ban Phát triển kinh tế xã Hội Thái Lan tiếp tục đưa các dự án thực hiện SEP vào các kế hoạch 5 năm sau này, kể cả cho kế hoạch 5 năm hiện tại (2016-2021).Thời kỳ những năm 1970 trở về trước các thông tin cơ bản về phát triển có được là từ các cơ sở và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước. Các thông tin này thường rời rạc, phân tán theo lĩnh vực và phân ngành. Rất khó cho nông dân để tìm được các thông tin, công nghệ và hiểu biết cần thiết. Vì thế, Đức Vua cho lập ra Trung tâm nghiên cứu phát triển Hoàng gia đầu tiên, Trung tâm nghiên cứu phát triển hoàng gia Khao Hin Sorn, thuộc tỉnh Chachoengsao năm 1979, tiếp theo là 5 Trung tâm khác được xây dựng trong 5 năm. Cho đến năm 2005 đã có 6 Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hoàng gia ở mọi khu vực trong cả nước, với mỗi Trung tâm đại diện cho những đặc trưng của mỗi vùng.
Cách đây 6 năm, đoàn công tác Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan đến thăm một trang trại gần Bangkok của ngài Prachuab Chaiasan, Cố Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam, người đã từng có những năm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trước đây và là người có uy tín trong hoạt động trang trại, am hiểu việc tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp. Tôi hỏi ông, “Ở Thái Lan có hay không tình trạng được mùa mất giá, phải đi đến các biện pháp giải cứu nông sản khi ứ đọng? Ông trả lời tôi rằng tình trạng được mùa mất giá từ nhiều năm nay không còn ở Thái Lan. Phải chăng đó là một thành quả quan trọng và dễ thấy của việc thực thi Triết lý Kinh tế vừa đủ mà người nông dân Thái Lan đang hưởng lợi.
Tác giả Tạ Quang Ngọc cùng đoàn công tác khảo sát một địa điểm áp dụng SEP tại Thái Lan
Tác giả Tạ Quang Ngọc cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại một Trung tâm phát triển Hoàng gia.
Những tháng gần đây, OCOP đã rất có ý nghĩa khi tích cực hoạt động trong tiêu thụ nông sản từ các làng xã mọi miền, đặc biệt hiện tại trong khó khăn của dịch Covid -19. Mỗi làng một sản phẩm thực sự có sức sống lâu dài và rộng khắp, ở Việt Nam đó là một phong trào gắn với chủ trương xây dựng Nông thôn mới, còn ở Thái Lan, OTOP gắn với triển khai thực tế một chủ trương phát triển nhân đạo của Đức vua tôn kính Bhumibol Adulyajet.Trước đó 1 năm, vào đầu tháng 9 năm 2003, Cố thống chế Sombun Rahong, Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan- Việt Nam lúc đó đã đưa đoàn Việt Nam đến thăm một Hội chợ triển lãm chuyên về OTOP (Phong trào mỗi làng một sản phẩm - One Tambol one product - OTOP) với trên 600 gian hàng. OTOP đã phát triển gần ba chục năm nay ở Thái Lan, bây giờ, khi đi dọc sảnh lớn sân bay quốc tế Suvarnmabhumi trước khi lên máy bay, một gian hàng OTOP đẹp đẽ, trang trọng đón khách đi về mọi ngả trên thế giới.
Cửa hàng OTOP trong sân bay quốc tế Thái Lan
Với những suy nghĩ trên về SEP, một triết lý phát triển quan trọng của Đức Quốc vương, tôi nghĩ cũng rất cần thiết và có ích khi giới thiệu SEP với bạn đọc và để hai nước học hỏi lẫn nhau, hợp tác vì sự phồn vinh và phát triển bền vững của Việt Nam và Thái Lan.OVOP (One village one Product) ở Nhật Bản những năm đầu tám mươi, OTOP ở Thái Lan từ những năm chín mươi, và OCOP (Mỗi xã một sản phẩm – One commune one product) ở Việt Nam hiện tại (theo QĐ số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính Phủ) có ý nghĩa rất lớn để hình thành các làng nghề và sự khởi nghiệp gắn với các sản phẩm của các làng, các xã đó.