Thống kê
  Đang online: 11
  Lượt truy cập: 1540323
Liên kết website
VIDEO / HÌNH ẢNH








Tin tức và sự kiện

Ngày 26/8/1994, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh đã ký Quyết định số 648 TS/QĐ, thành lập Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản với tên giao dịch là NAFIQACEN.

Lời tòa soạn:

Nhân kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc về một giai đoạn khởi đầu với những tư duy mới mẻ, tạo tiền đề vững chắc, góp phần đưa nông sản Việt Nam tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ như ngày nay.

Ngày 26/8/1994, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh đã ký Quyết định số 648 TS/QĐ, thành lập Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản với tên giao dịch là NAFIQACEN (1). Sự kiện đó đến nay đã tròn 30 năm.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc mừng tới Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), tới tập thể cán bộ, chuyên viên đang thực thi công tác quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh các sản phẩm ngành nông nghiệp. Đặc biệt, tôi xin gửi lời chúc mừng và tri ân anh chị em từng công tác tại NAFIQACEN đã thành công với loại hình hoạt động quan trọng, mới mẻ, vất vả và đầy lý thú này ngay từ những năm tháng đầu thành lập.

Tại thời điểm này, tôi cũng trân trọng nhắc tới những kỷ niệm tốt đẹp về Trung tâm KCS thuộc SEAPRODEX Việt Nam. Nơi đây, trước khi NAFIQACEN được thành lập đã là một cơ sở tin cậy giúp Bộ Thủy sản quản lý chất lượng thủy sản xuất khẩu.

Trung tâm đã cùng các đơn vị chuyên môn Bộ Thủy sản tiếp thu và áp dụng các kỹ thuật mới về kiểm tra và đánh giá chất lượng thủy sản những năm cuối thập niên 1980, và giúp tổ chức các lớp tập huấn những năm đầu thập niên 1990 về An toàn vệ sinh và Thanh tra thủy sản. Nhiều cán bộ chuyên môn cốt cán của NAFIQACEN đã từng trưởng thành từ môi trường công tác nơi này.

Lớp tập huấn toàn quốc về thanh tra và an toàn vệ sinh thủy sản tháng 5/1991 - Một dấu mốc có ý nghĩa đối với NAFIQACEN

Sự ra đời của một đơn vị công tác bao giờ cũng từ yêu cầu công việc và có hoàn cảnh thực tế. Lý do NAFIQACEN ra đời cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, tổ chức này có mặt vào thời điểm đó mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Gắn với nó, làm nền và hậu thuẫn cho thành công trong công việc của nó là một tư duy mới, một phương pháp luận mới, và một cách làm mới về chất lượng và vệ sinh thủy sản (sau này, đã mở rộng ra tất cả các nông sản thực phẩm).

NAFIQACEN đã góp sức để ngành thủy sản nhanh chóng bắt kịp được xu hướng hội nhập quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm hình thành từ cuối những năm 1980, được chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng vào thủy sản Việt Nam đầu những năm 1990 (2), đưa ngành thủy sản đi tiên phong chủ động đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của hoạt động thương mại quốc tế liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung trong quá trình hội nhập của Việt Nam, bắt đầu từ thị trường đòi hỏi khắt khe nhất - thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU được thiết lập cuối tháng 11/1990. Tháng 7/1995, hai bên ký “Hiệp định khung Hợp tác, thiết lập các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai phía”. Giai đoạn này, ngành thủy sản được Đảng và Nhà nước chủ trương ưu tiên xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn (1992) và khởi đầu những đổi mới quan trọng.

Trong thương mại thủy sản, EU - với thị trường đang nhất thể hóa của mình - đòi hỏi các nước xuất khẩu xây dựng và thực thi các luật, quy tắc đảm bảo an toàn thực phẩm tương đương với các chuẩn mực vệ sinh áp dụng tại EU, lấy Phân tích mối nguy và xác định các điểm kiểm soát nóng (HACCP) làm cơ sở tiếp cận; sản phẩm phải được sản xuất trong các điều kiện tương đương như các doanh nghiệp của EU; và phải có một cơ quan đủ thẩm quyền (Competent Authority) về quản lý chất lượng làm đối tác tin cậy của các cơ quan tương ứng của EU.

NAFIQACEN thực sự trở thành đối tác tin cậy của họ chỉ ít năm sau đó. Trong thành tựu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã in dấu ấn những đóng góp của NAFIQACEN một thời.

Từ lúc ban đầu chủ yếu chỉ tập trung các quy phạm và chương trình đảm bảo chất lượng xuất phát từ những yếu tố bên trong phạm vi các xí nghiệp chế biến, sau này các hoạt động về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản đã nhanh chóng vươn ra hầu hết các nhân tố bên ngoài liên quan, nhất là khâu sản xuất và cung ứng nguyên liệu.

Kiểm soát điều kiện vệ sinh “từ ao nuôi đến bàn ăn” là câu nói quen thuộc về địa bàn hoạt động của những người làm việc trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản, mới đầu là đối với nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, về sau mở ra áp dụng cả với thực phẩm tiêu dùng trong nước. Truy xuất nguồn gốc trở thành việc làm và thủ tục thiết yếu.

Cùng nhiều nước khác thời đó, ở Việt Nam, ngành thủy sản từ nửa đầu thập niên 1990 đã bắt đầu một cách làm về chất lượng và vệ sinh sản phẩm ngược hẳn với phương thức trước đây, khi chỉ dựa vào kiểm tra sản phẩm cuối (qua “cửa” các KCS) và tiến hành thanh tra theo nguyên tắc truy ngược (retrospective) để từ thực tế “nắn lại” các dây chuyền sản xuất.

Lễ trao chứng chỉ lớp học. Người nhận chứng chỉ trong ảnh là ông Nguyễn Tử Cương.

Khi NAFIQACEN được thành lập năm 1994, ông Cương được giao làm Giám đốc

Bây giờ, đó phải là thực thi một chiến lược phòng ngừa (preventive) khi áp dụng HACCP dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng các điều kiện chi phối quá trình hình thành sản phẩm. Cách làm này tiết kiệm hơn mà an toàn hơn nhiều. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo chủ động hơn nhờ các quy phạm thực hành chặt chẽ và các chương trình an toàn chất lượng hợp lý.

Để đánh giá kết quả hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu giai đoạn 1990 - 2015, và chuẩn bị cho một Hiệp định hợp tác trong giai đoạn mới (3), năm 2015, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã cho ra mắt cuốn sách song ngữ Anh - Việt của tác giả Andrew Hardy, với tiêu đề: 25 năm hữu nghị và phát triển.

Trong cuốn sách (trang 57) có nêu “Thành công của NAFIQACEN đánh giá sự thay đổi hoàn toàn của ngành thủy sản Việt Nam” và “Đến năm 2000, nền sản xuất (theo tôi, ý tác giả chỉ giới hạn trong công nghiệp chế biến và năng lực bảo đảm chất lượng liên quan) của thủy sản Việt Nam có thể so sánh được với bất kỳ quốc gia nào nhờ có vị trí “ngang bằng” với EU. Việc áp dụng các tiêu chuẩn EU đã mở ra cho thủy sản Việt Nam cơ hội kinh doanh với châu Âu, và đặt nền móng cho một nền thương mại xuất khẩu rất phát đạt của thế giới".

Bảo đảm an toàn vệ sinh và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản

Thực tế, với thành công đó, sau ít lâu, chúng ta về cơ bản đã không bỡ ngỡ với các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường Hoa Kỳ và nhanh chóng gia tăng xuất khẩu thủy sản vào đây sau khi ký Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước (BTA) năm 2001. Tương tự là sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào các thị trường khác khi điều kiện mở ra, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đầu năm 2007.

Giờ đây, sau 30 năm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo phương thức này là cách làm chung quen thuộc đối với mọi loại nông sản thực phẩm, tôi vẫn cho rằng kiên trì cách làm đó cũng là một bảo bối để thực phẩm cho mọi nhà sạch hơn, giữ vững và làm tăng uy tín của hàng hóa xuất khẩu nước ta trên thị trường thế giới.

(1) Là tiền thân của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (NAFIQAVED), sau đó là Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT và nay là phần chức năng quan trọng của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

(2) Tạ Quang Ngọc. HACCP và việc áp dụng vào Việt Nam. Báo Thủy sản Việt Nam, tháng 12 năm 2015.

(3) Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019, được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020 và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020

                                                                   Tạ Quang Ngọc

 

Bài viết cùng chuyên mục
Tìm kiếm
Lựa chọn chuyên mục
Hỗ trợ trực tuyến

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TS. Nguyễn Xuân Tiên

0243.771.0543

0913212345