Ngày 21 tháng 9 năm 2022, hội thảo về các môi chất lạnh có hiệu suất năng lượng, tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) thấp và an toàn lần thứ 4 đã diễn ra tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Kể từ năm 2018, hội thảo được tổ chức thường niên bởi Hội lạnh và ĐHKK của 05 nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines và Việt Nam) và Hiệp hội công nghiệp lạnh và ĐHKK Nhật Bản (JRAIA). Hội thảo còn có sự hiện diện của bà Zulhasni, Trưởng văn phòng Ô-dôn (Bộ Tài nguyên và môi trường Indonesia). Mục đích của hội thảo là cập nhật tình hình của mỗi quốc gia về chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả, an toàn và xu hướng sử dụng môi chất lạnh có GWP thấp. Ngoài ra, hội thảo cũng là cơ hội để tăng cường sự hợp tác giữa các hiệp hội công nghiệp lạnh và ĐHKK cũng như sự hợp tác trong tương lai giữa các nước ASEAN và Nhật Bản.
Ông Deni Jenika (Hội Lạnh và ĐHKK Indonesia) giới thiệu về hội thảo
Tại hội thảo này, các vấn đề về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm máy lạnh và ĐHKK của thị trường, tình hình sử dụng môi chất lạnh HCFC và HFC, và cập nhật các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hệ thống lạnh và ĐHKK đã được trình bày bởi đại diện các Hội/Hiệp hội của mỗi quốc gia ASEAN và JRAIA. Ông Koji Hatano, phó chủ tịch JRAIA, đã trình bày về quá trình chuyển đổi môi chất lạnh có GWP thấp và tự nhiên có tính cháy trung bình và cao (nhóm A2, A3) tại Nhật Bản trong những năm qua và mục tiêu cắt giảm sử dụng HFC thông qua chính sách về sản xuất/nhập khẩu bằng việc áp dụng GWP mục tiêu trong các lĩnh vực của ngành lạnh. Việc đề ra các chính sách nâng cao hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) của các sản phẩm tủ lạnh và ĐHKK gia dụng thông qua chương trình dán nhãn năng lượng cũng được đề cập một cách chi tiết bởi đại diện các Hội/Hiệp hội của các nước tham gia như: Thái Lan (Bà Supanee, phó chủ tịch Hội), Indonesia (Ông Daniel, tổng thư ký Hội), Việt Nam (PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội) và Philippines (Ông Barbosa, phó chủ tịch Hội). Các đại biểu đều thừa nhận đang có một khoảng cách giữa MEPS trong các nước ASEAN và mục tiêu cần đạt được theo mong muốn từ phía Nhật Bản và U4E, bởi vì cơ sở hạ tầng của các nước và thị trường tiêu thụ còn đang phát triển chưa đồng đều. Ông Gan (phó chủ tịch Hội Lạnh và ĐHKK Malaysia) trình bày tại hội thảo về vấn đề chuyển đổi môi chất lạnh tự nhiên (Propane - R290) và hệ thống đào tạo nghề lạnh cho thợ kỹ thuật, được coi như điểm sáng trong lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh sử dụng môi chất lạnh có tính cháy. Đây là một rào cản rất lớn cho các nước đang phát triển, không những về mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp mà còn về trình độ lắp đặt, vận hành của các thợ kỹ thuật còn thấp.
Các đại biểu tham dự hội thảo về lạnh và ĐHKK lần thứ 4 (09/2022)
Sau một ngày làm việc nghiêm túc và khẩn trương, hội thảo về lạnh và ĐHKK của các nước ASEAN và Nhật Bản lần thứ 4 đã kết thúc tốt đẹp. Ngành lạnh và ĐHKK ngày càng chứng tỏ vai trò của mình trong việc giảm tiêu thụ khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đối với toàn cầu. Vì thế, việc hợp tác giữa các nước ASEAN, thị trường tiêu thụ các thiết bị lạnh và ĐHKK rất lớn (chiếm khoảng 34% châu Á) và Nhật Bản, thị trường xuất khẩu hàng đầu trên thế giới là rất cần thiết. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các bên đối với sự phát triển bền vững của ngành lạnh và ĐHKK trong tương lai gần. Chia tay thành phố hiền hòa Jakarta của đất nước vạn đảo xinh đẹp Indonesia, hội thảo về lạnh và ĐHKK lần thứ 5 sẽ tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội, thành phố vì hòa bình của đất nước Việt Nam thân thiện vào năm 2023.